Ngân hàng rầm rộ tung gói vay ưu đãi, vốn về đâu?

(ĐTCK) Lãi suất ngân hàng hiện đã giảm khá mạnh, các nhà băng cũng đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi hơn dành cho khách hàng cần vốn cuối năm, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Song, thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn là bài toán khó đối với các DNVVN.
Lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, song vẫn còn hàng chục nghìn DNVVN chưa tiếp cận được nguồn vốn này Lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, song vẫn còn hàng chục nghìn DNVVN chưa tiếp cận được nguồn vốn này

Trong thời gian qua, để đón đầu xu hướng cầu vốn tăng dịp cuối năm, các ngân hàng lần lượt tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các đối tượng khách hàng, trong đó bao gồm cả khách hàng cá nhân và DNVVN.

Đơn cử, Kienlongbank đưa ra gói vay ưu đãi lãi suất 0,7%/tháng trị giá 400 tỷ đồng, áp dụng cho tất cả khách hàng có nhu cầu vay vốn để sản xuất-kinh doanh, giao dịch bất động sản, phục vụ đời sống... Từ nay đến cuối năm, DongA Bank dành gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng cho các DNVVN trên địa bàn 3 quận (quận 5, 6 và Tân Bình) tại TP. HCM trong, với chủ trương đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp. Còn tại ACB, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18% trong năm 2016, trong đó, khách hàng cá nhân tăng 25%; DNVVN là 15%, khách hàng doanh nghiệp lớn chỉ đặt kết hoạch tăng trưởng khoảng 5%.

Các ngân hàng đều cho biết, chiến lược bán lẻ đang được đẩy mạnh và phân khúc khách hàng mục tiêu là các DNVVN, bên cạnh khách hàng cá nhân. Thế nhưng, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân ngàn vẫn đang là bài toán khó đối với các DNVVN. Nguyên nhân chính được các ngân hàng lý giải là do năng lực của các DNVVN là khá yếu kém, thiếu sự minh bạch, thiếu tài sản thế chấp… nên phía ngân hàng ngại rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng.

Thị trường còn khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi quá trình xử lý nợ xấu còn chậm, khiến nhiều DNVVN phải tìm đến tín dụng ngoài ngân hàng với lãi suất cao. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, cần có thêm cơ chế hỗ trợ các DNVVN về vốn, cũng như gia tăng các quỹ hỗ trợ cho đối tượng này.

Ông Trần Việt Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho rằng, hiện các ngân hàng đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng để cung ứng vốn, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều được đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là DNVVN. Đó là chưa kể, lãi suất cho vay áp dụng với DNVVN thường cao hơn mặt bằng chung, nhất là với vốn trung- dài hạn, nguồn vốn đặc biệt quan trong quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, nếu thiếu sự hỗ trợ từ ngân hàng, DNVVN sẽ “khó chồng khó”.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng đưa ra nhận định, hiện hệ thống ngân hàng mới chỉ tài trợ được 550.000 DNVVN, còn lại 40.000 DNVVN chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Nếu theo kế hoạch của Chính phủ, dự kiến đến 2020, Việt Nam có khoảng 1 triệu DNVVN thì nhiệm vụ rõ ràng là khá nặng nề. Vì vậy, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, rất cần các chính sách, giải pháp về vốn để hỗ trợ DNVVN.

Được biết, nằm trong kế hoạch hỗ trợ DNVVN của Chính phủ, Quỹ Phát triển DNVVN (SMEDF) với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu vào tháng 4/2016. Ngay sau khi ra mắt, Quỹ đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, cũng như trực tiếp tư vấn đến cộng đồng doanh nghiệp tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và hiện sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp thông qua 3 ngân hàng ủy thác là BIDV, Vietcombank và HDBank.

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng sẽ hỗ trợ tài chính cho DNNVV với tỷ lệ cho vay tối đa 80% giá trị dự án, tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc tài sản có sẵn, lãi suất 7%/năm cố định trong suốt thời gian vay, miễn phí trả nợ trước hạn…

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), khối DNNVV hiện chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp 45% GDP, 33% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết 62% nhu cầu việc làm. Mặc dù vậy, khối này lại đang gặp không ít khó khăn như: quy mô nhỏ, thiếu nhân lực, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, công tác quản trị còn nhiều hạn chế... Để nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tiềm năng phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, DNNVV rất cần vốn để đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo ra tiềm năng tăng trưởng cao. Bởi vậy, sự hỗ trợ của SMEDF sẽ tạo đà, giúp DNNVV thúc đẩy sản xuất-kinh doanh trong nước, tiến tới hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, để cải thiện tình hình hiện tại, bên cạnh việc hỗ trợ của các tổ chức tài chính, ngân hàng, quan trọng nhất vẫn là các DNVVN cần phải tự nỗ lực để cải thiện nội tại doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng doanh nghiệp, cũng như tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp...     

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục