Ngân hàng quay lại với kế hoạch bảo hiểm

(ĐTCK) Tham vọng kế lập tập đoàn tài chính với 2 trụ cột: ngân hàng, bảo hiểm luôn nằm trong kế hoạch của các ông chủ nhà băng. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã khiến nhiều ông chủ phải lùi lại kế hoạch đặt ra, để đến tận gần đây mới được khởi động trở lại.
BIC ra đời trên cơ sở BIDV mua lại vốn góp của QBE tại liên doanh bảo hiểm Việt Úc - Ảnh: Hoài Nam BIC ra đời trên cơ sở BIDV mua lại vốn góp của QBE tại liên doanh bảo hiểm Việt Úc - Ảnh: Hoài Nam

Mô hình tập đoàn tài chính có lẽ là lý do căn bản để các ngân hàng phát triển các phân nhánh của mình trong lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, mới đây nhất là công ty tài chính, dù thực tế mô hình này là theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, những cái tên gắn liền với ngân hàng đã xuất hiện từ khá sớm: BIC, Vietcombank Cadift, ABIC, MIC..., đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có vốn góp lớn của khối ngân hàng.

Thời gian xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn bùng nổ kinh tế 2005-2007 và sau đó lắng lại bởi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Thay vào đó là giai đoạn tái cấu trúc với phần nhiều các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Các “ông chủ” ngân hàng hầu như phải tăng tỷ lệ vốn của mình tại các doanh nghiệp bảo hiểm do mình sở hữu để thay đổi cơ cấu cổ phần, quản trị cũng như kinh doanh.

SVIC với sự thoái lui của Vinacomin đổi tên thành BSH với sự xuất hiện của Chủ tịch SHB trên ghế Chủ tịch HĐQT, MB bỏ tiền để trở thành ông chủ duy nhất của MIC...

Và thương vụ mới nhất là vào đầu năm 2015, SCB hoàn tất các thủ tục góp vốn vào Công ty Bảo hiểm Bảo Long, với tổng vốn góp là 472 tỷ đồng. SCB đã nắm giữ 58,73% cổ phần chi phối đối với Bảo Long, tức là một tỷ lệ chi phối.

HĐQT SCB cho biết, Ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn và từng bước đẩy mạnh tăng trưởng, với các kế hoạch được vạch ra trong thời gian tới. Chẳng hạn, liên kết với các công ty bảo hiểm để đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, gia tăng nguồn thu nhập ngoài lãi đóng góp vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng.

Vì thế, không chỉ với 2 đối tác chiến lược của SCB trong lĩnh vực bảo hiểm đã được ký kết, mà trong thời gian tới, Ngân hàng còn có kế hoạch ký hợp tác với một công ty bảo hiểm khác để đẩy mạnh việc khai thác bán chéo sản phẩm. Từ đó, Ngân hàng sẽ gia tăng được nguồn thu ngoài lãi, gia tăng dịch vụ.

Đó là những câu chuyện của các ngân hàng, còn nếu nhìn từ góc độ các công ty bảo hiểm thì có một trường hợp đặc biệt là Tập đoàn Bảo Việt. Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm, Bảo Việt đã từng có một kế hoạch tương tự như các ngân hàng; cụ thể hóa bằng một quy định sở hữu đặc biệt 52% khi thành lập Ngân hàng Bảo Việt và đến năm 2014 giảm xuống 32,9% để trở thành công ty liên kết.

Nhìn về tổng thể thị trường, với các quy định pháp lý hiện tại cũng như tiềm lực tài chính thì việc các ngân hàng lấn sân bảo hiểm khả thi hơn chiều ngược lại. Tháng 7/2014, BIDV quay trở lại với kế hoạch này bằng việc nhận được giấy phép thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV - Metlife. Sự xuất hiện của liên doanh này giúp BIDV hoàn thiện 2 trụ cột nhân thọ và phi nhân thọ bởi trước đó BIDV đã sở hữu BIC, một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong Top đầu thị trường.

Việc đầu tư mới sang lĩnh vực bảo hiểm phải kể đến một kế hoạch mới nhất vừa được công bố từ Sacombank. Lãnh đạo ngân hàng này tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông đã chính thức có tờ trình về kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn dự kiến 500 tỷ đồng; công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Theo lý giải của HĐQT Sacombank, thị trường bảo hiểm đang có nhiều tiềm năng. Với mục đích đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, sử dụng tối đa nguồn vốn để tái đầu tư và khai thác triệt để mạng lưới hoạt động, các khách hàng của ngân hàng và công ty con nên Ngân hàng muốn lập công ty bảo hiểm.

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, dự báo thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển và ý thức bảo hiểm của người dân tăng cao. Việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, Sacombank mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhằm đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, cung cấp sản phẩm tài chính phong phú, hiện đại và sử dụng tối đa nguồn vốn để tái đầu tư.

Chính những lợi ích tận dụng mạng lưới và nhân sự rộng khắp toàn quốc của các ngân hàng là lý do đầu tiên để các kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm dễ xuất hiện. Còn về lâu dài, theo mô thức các tập đoàn tài chính quốc tế thì ngân hàng và bảo hiểm là 2 trụ cột cần có của một tập đoàn tài chính, bên cạnh các loại hình công ty khác như công ty tài chính tiêu dùng, chứng khoán, cho thuê tài chính…

Thùy Vinh
Đặc san Bảo hiểm 2015

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục