Ngân hàng phân trần chuyện thừa room nhưng khó cho vay

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo BIDV, Agribank cho biết dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, song không dễ tìm khách hàng để cho vay và kiến nghị loạt giải pháp để thúc đẩy tín dụng.
8 tháng đầu năm, BIDV sử dụng chưa hết một nửa room tín dụng 8 tháng đầu năm, BIDV sử dụng chưa hết một nửa room tín dụng

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, từ đầu năm đến nay Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Đồng thời, ngân hàng cũng triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường; 2 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với 425 nghìn tỷ đồng dư nợ đến 31/03 tiền vay hiện hữu… song tín dụng vẫn tăng trưởng chậm.

Đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cũng cho hay, trong 8 tháng đầu năm ngân hàng đã 4 lần giảm lãi vay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi - suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước song tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 cũng mới tăng 5,72% dù chỉ tiêu cả năm lên tới 14%.

Lãnh đạo BIDV chia sẻ, rất mong doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch, rõ ràng, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân hàng để tạo niềm tin cho ngân hàng.

“Ngân hàng rất mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp song ngược lại cũng mong các doanh nghiệp doanh nghiệp minh bạch để tạo niềm tin với ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, Tổng giám đốc BIDV bày tỏ.

Tương tự, lãnh đạo Agribank cũng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có thêm các giải pháp kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, PCCC, môi trường..., đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản…), các ngân hàng cho hay, việc giải ngân khó khăn vì nhiều lý do.

Thứ nhất, đặc thù thu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân không có hóa đơn chứng từ gây khó khăn cho các TCTD trong việc thực hiện đúng quy định của NHNN trong quy định giải ngân cho vay bằng tiền mặt và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

Thứ hai, phần lớn tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp nông thôn là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy hải sản...có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao.

Thứ ba, đối với tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý và dễ dẫn đến tình trạng trùng lắp giữa nhiều ngân hàng (một tài sản đảm bảo có thể được sử dụng để thế chấp tại nhiều ngân hàng).

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục