Ngân hàng phải cho vay: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”

(ĐTCK) Trong một góc nhìn sòng phẳng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Tức là ngân hàng cũng phải tính lỗ lãi, rủi ro, phải đi tiếp thị cho vay với doanh nghiệp tốt và từ chối cho vay với dự án chưa tốt. Tuy nhiên, “ngân hàng phải cho vay” vẫn là “khẩu lệnh” đâu đó còn tồn tại.
Nhiều dự án có ý nghĩa kinh tế xã hội nhưng lại không đáp ứng chuẩn cho vay thương mại Nhiều dự án có ý nghĩa kinh tế xã hội nhưng lại không đáp ứng chuẩn cho vay thương mại

Nỗi lòng doanh nghiệp

Bà Đỗ Thị Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Đông Ấn Việt Nam (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, DN của bà đã được tỉnh Sơn La phê duyệt dự án với quy mô 900 ha, trong đó có 700 ha trồng cây vầu và 200 ha cây dược liệu với tổng vốn đầu tư của dự án là 289,8 tỷ đồng. Theo đó, cây vầu để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ và tăm hương (chân hương) xuất khẩu đi Ấn Độ, còn cây dược liệu (tinh dầu bạc hà) để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Từ năm 2011 đến nay, Công ty đã đầu tư bằng nguồn lực tự có giai đoạn đầu khoảng 3 tỷ đồng triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và khu xưởng sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu tận thu từ khu thủy điện Trung Sơn. Tháng 5 tới sẽ trồng 320 ha vầu bởi mới xong thủ tục cấp đất và dự kiến năm 2018 thu hoạch với sản lượng 1 tấn vầu được 2,5 tạ tăm hương. Cây bạc hà đã trồng thí điểm xong, chiết suất thử tinh dầu đã được Nhật Bản chấp nhận với lượng tinh dầu đạt tới 7kg tinh dầu/tấn nguyên liệu, mức cao nhất, trong khi ở nhiều tỉnh miền bắc chỉ là 5 - 6kg tinh dầu/tấn nguyên liệu.

Bà Phương chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay của Công ty là việc tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, DN cần vay vốn từ các NHTM để tiếp tục đầu tư cho dự án như xây dựng xưởng sản xuất chế biến và mở rộng vùng nguyên liệu. Tỉnh đã cấp cho DN 15 ha xây dựng nhà xưởng, sổ đỏ được cấp 12,8 ha nhưng ngân hàng chưa chấp nhận là tài sản bảo đảm vì ngân hàng yêu cầu khi nào có tài sản hình thành trên đất thì mới chấp nhận cho vay.

“Tương tự như vậy, đất trồng rừng đã được cấp sổ đỏ là 75 ha, còn 50 ha liên kết với dân để trồng vầu nhưng ngân hàng chưa coi đây là tài sản bảo đảm vì chưa có cây. Bên cạnh đó, phải có xác nhận của sở tài nguyên môi trường là có cây trên đất thì ngân hàng mới chấp nhận đó là tài sản bảo đảm mới cho vay”, bà Phương nói.

Câu chuyện của bà Phương cũng tương tự như câu chuyện của nhiều doanh nghiệp tại các địa phương khác mà phóng viên qua quá trình thực tế ghi nhận được. Mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một ngành, nhưng đều có đặc điểm chung là vốn tự có ít, tài sản dùng để đảm bảo có đặc tính khó sử dụng với ngân hàng khi trường hợp không trả được nợ xảy ra, nhu cầu vốn của doanh nghiệp lại rất cao…

Ngân hàng phải cho vay: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” ảnh 1

 Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thực địa tại dự án trồng dược liệu của Công ty Đông Ấn

 Với những dự án này, theo giải thích từ phía ngân hàng, nếu theo quy trình cho vay thông thường thì gần như không thực hiện được vì không đáp ứng đủ điều kiện cho vay của các ngân hàng.  “Có rất nhiều dự án ngoài ý nghĩa mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, thì còn ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân vài xã hoặc thậm chí cả huyện, chủ đầu tư kiến nghị nhiều, lãnh đạo địa phương cũng rốt ráo ‘thúc ép’ ngân hàng cho vay, nhưng khi ngân hàng vào thẩm định thì rủi ro không nhỏ hoặc không thu xếp nguồn vốn được nên không thể giải ngân”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.

“Với những dự án này, nhà đầu tư cũng như lãnh đạo địa phương nên tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội hay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoặc kiến nghị cho vay theo các chương trình đặc biệt để ngân hàng giải ngân có thêm sự đảm bảo từ NHNN hoặc từ chính ngân sách địa phương mới có thể cho vay được”. 

Thống đốc cũng chỉ… khó quyết

Quay lại với câu chuyện của Công ty Đông Ấn Việt Nam, trong chuyến thăm cuối tuần qua của Thống đốc NHNN tới Công ty, bà Phương kiến nghị được vay vốn thí điểm trong sản xuất nông nghiệp theo Công văn số 7782/NHNN-TD ngày 23/10/2014 của NHNN, cụ thể là tại Agribank Chi nhánh Mộc Châu (khoảng 3 tỷ đồng). Bên cạnh đó, vay vốn thương mại dùng sổ đỏ đã được UBND tỉnh Sơn La cấp (đối với 75ha vầu) thế chấp vay vốn ân hạn dài hạn tại BIDV Chi nhánh Sơn La vì từ khi trồng đến lúc khai thác vầu mất khoảng 3-4 năm. 

“Tôi thấy trái khoáy là tôi vay tiền đưa cho dân mà lại bắt phải có sản bảo đảm thì tôi vay làm gì? Dự án của tôi đã được Hội đồng tỉnh duyệt nhưng đến ngân hàng lại từ chối. Từ chính sách đến cuộc sống một trời một vực. DN muốn ngân hàng chấp nhận cho phép tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai được coi là tài sản bảo đảm. Theo đó, cho vay theo tiến độ, làm đến đâu vay đến đó, làm bao nhiêu vay bấy nhiêu”, bà Phương đặt vấn đề.

Lắng nghe những chia sẻ của bà Phương, Thống đốc nhận định DN tham gia trồng rừng để sản xuất kinh doanh vừa giữ đất vừa tạo việc làm cho địa phương lại tạo đầu ra cho xuất khẩu đó là điều đáng quý. Nhưng vốn tự có của Công ty quá thấp so với tổng vốn đầu tư, cụ thể có 3 tỷ đồng so với tổng thể dự án hơn 200 tỷ đồng và vốn đầu tư 50 - 70 tỷ đồng của giai đoạn đầu là quá cao, rủi ro lớn, bên cạnh đó, giao thông còn nhiều khó khăn…

Ngân hàng phải cho vay: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” ảnh 2

 Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong chuyến thực địa và làm việc với các doanh nghiệp vùng Tây Bắc

Thống đốc cho rằng, cần có cả 3 bên tham gia trong quá trình kêu gọi vốn là bản thân, bạn bè và ngân hàng. Cụ thể hơn, Thống đốc giao cho giám đốc NHNN Sơn La cùng 3 NHTM (Agribank, BIDV, VietinBank) bàn kỹ, góp ý cho DN để hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh. Sau khi có phương án khả thi, sẽ đề ra các có bước đi, lộ trình phù hợp. Có thể có phương án đồng tài trợ giữa 3 ngân hàng nhưng DN cũng cần chủ động huy động tăng thêm tỷ trọng vốn tự có. Sau những bước đầu thành công, Vụ Tín dụng có thể đưa dự án này vào cho vay theo chuỗi liên kết.

“Nhưng đối với dự án thí điểm thì vai trò chính quyền địa phương rất quan trọng. Nếu ngân hàng, DN tích cực mà chính quyền địa phương không tích cực thì khó làm, kể cả dự án rất khả thi”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Trên thực tế cho vay, rất nhiều chương trình có tính “đặc biệt” đã được áp dụng nhằm gỡ khó cho các dự án không đạt chuẩn cho vay thông thường. Theo thống kê của chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tính đến ngày 28/2, số tiền các NHTM đã ký kết với các DN tham gia chương trình lên tới hơn 5.600 tỷ đồng, tổng số tiền giải ngân đạt 2.420 tỷ đồng. Đây là chương trình do NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn 28 DN trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành tham gia.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước, đối với các chương trình có ý nghĩa kinh tế xã hội mà không đạt chuẩn vay thương mại, đều phải sử dụng các nguồn tài chính khác tài trợ. “Ngân hàng bây giờ phần nhiều được sở hữu bởi tư nhân, không thể ép cho vay kiểu chỉ định như thời bao cấp được. Các địa phương và doanh nghiệp cần hiểu điều này ở góc độ phải xây dựng dự án tốt thì mới có thể vay vốn, còn nếu không phải tìm nguồn tài trợ khác”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.      

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục