Ngân hàng ồ ạt xin tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II

(ĐTCK) Điểm chung dễ nhận thấy trong nội dung chương trình của nhiều đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Điều này không khó hiểu khi thời hạn áp chuẩn quản trị rủi ro Basel II với các yêu cầu về vốn khắt khe hơn đang cận kề.   
LienVietPostBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức gần 7.500 tỷ đồng hiện tại lên hơn 10.368 tỷ đồng trong năm nay LienVietPostBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức gần 7.500 tỷ đồng hiện tại lên hơn 10.368 tỷ đồng trong năm nay

Ồ ạt xin tăng vốn

VPBank là ngân hàng “mở màn” cho việc trình cổ đông kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Cụ thể, ngày 19/3/2018, Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 15.706 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng, tức tăng thêm 72% so với hiện nay.

Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của VIB và MB đều đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm lần lượt 43,5% và 19%. Theo đó, nếu kế hoạch phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng lên 8.100 tỷ đồng, còn MB sẽ đạt 21.600 tỷ đồng. Phương án thực hiện đều bao gồm việc chia cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu.

Trong mùa đại hội năm nay, LienVietPostBank xin cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức gần 7.500 tỷ đồng hiện tại lên hơn 10.368 tỷ đồng, tức tăng hơn 38%, thông qua việc phát hành thêm hơn 286 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.

TPBank đã thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ từ 5.842 tỷ đồng lên 8.533 tỷ đồng trong năm nay. Việc tăng vốn sẽ thực hiện qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức (tổng cộng 544 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chia 8,37%) và chia cổ phiếu thưởng từ nguồn tiền thặng dư thu được của đợt phát hành này (1.314 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ khoảng 20%).

HDBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 22%, lên 11.972 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động.

SCB, VietBank, OCB, ACB cũng đã có phương án tăng vốn. Mức tăng vốn điều lệ lần lượt của các ngân hàng này là 16%, 31%, 50% và 16%.

Đại hội đồng cổ đông của NamA Bank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, từ mức 3.021 tỷ đồng hiện nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 1.978 tỷ đồng bằng hai phương án: Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 11%, tổng số tiền tăng vốn là 332 tỷ đồng; thứ hai, phát hành cổ phiếu phổ thông với lượng chào bán là hơn 164,6 triệu cổ phần với giá không thấp hơn mệnh giá, dự kiến thu về 1.646 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu (dự kiến 906 tỷ đồng); cán bộ nhân viên Ngân hàng (dự kiến hơn 45 tỷ đồng) và phát hành ra bên ngoài (khoảng 695 tỷ đồng).

Vốn tăng thêm sẽ sử dụng thế nào?

Giải trình trước cổ đông về việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, Ngân hàng dự định để đầu tư vào các đơn vị kinh doanh; cải tiến và nâng cao thương hiệu Nam A Bank; đầu tư mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trang thiết bị kỹ thuật; phát triển sản phẩm tín dụng...

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, việc tăng vốn điều lệ năm nay là để đáp ứng nhu cầu tăng vốn là cấp thiết để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời giúp Ngân hàng có vốn để gia tăng hoạt động kinh doanh như phục vụ tín dụng trung và dài hạn; dự phòng cho các nguồn kinh doanh khác; đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vật chất cho nhu cầu phát triển…

Trên thực tế, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng hiện khá thấp, trong khi thời hạn áp dụng các chuẩn Basel II ngày càng gần. Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tổng tài sản theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Do đó, để có đủ nguồn lực mở rộng hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn thì việc tìm cách tăng vốn điều lệ là điều cấp thiết và phải làm.

Bên cạnh việc tiến tới áp chuẩn Basel II, việc tăng vốn của ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới hoạt động. Mới đây, HDBank cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn mở mới 45 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm nay. Nếu hoàn tất, HDBank sẽ nâng mạng lưới điểm giao dịch lên 285, và được xem là ngân hàng có tốc độ phát triển mạng lưới nhanh nhất trong hệ thống trong mấy năm gần đây.

LienVietPostBank đã có mạng lưới thuộc hàng lớn nhất hệ thống, nhưng cũng tiếp tục muốn mở rộng hơn nữa trong năm 2018. Theo đó, Ngân hàng sẽ phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietNamPost) để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng. Dự kiến, đến hết năm nay, nhà băng sẽ có gần 400 điểm giao dịch, trong đó có 185 phòng giao dịch được nâng cấp thành phòng giao dịch ngân hàng, đồng thời sẽ mở thêm 5 chi nhánh mới.

Đầu năm nay, MB cũng đã được cấp phép thành lập thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch, mở rộng mạng lưới giao dịch của nhà băng này lên đến 96 chi nhánh và 188 phòng giao dịch. Hay Kienlongbank dự kiến thành lập mới 17 chi nhánh, phòng giao dịch nâng tổng số điểm giao dịch lên 134 điểm; Viet Capital Bank muốn mở thêm 1 chi nhánh tại Nghệ An và 7 phòng giao dịch phía Nam, nâng số lượng điểm giao dịch từ 46 lên 54 điểm.

OCB cũng chia sẻ kế hoạch mở mới thêm 8 điểm giao dịch: 5 chi nhánh, 3 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 130 điểm tại 29 tỉnh thành trên cả nước… Vì thế, các nhà băng phải tăng tốc nâng vốn để đủ điều kiện xin cấp phép mở rộng mạng lưới, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng kinh doanh, tín dụng.

Thực ra, không phải năm nay, mà mong muốn tăng vốn của hầu hết các ngân hàng đã có từ vài năm trước, song chỉ có một số ngân hàng có quy mô lớn, hoạt động tốt hơn mới có thể thực hiện thành công.

Trong một thời gian dài, thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động ngân hàng dần trở lại, các nhà băng đã xử lý được nhiều vấn đề tồn đọng về nợ xấu, tái cơ cấu… nên việc tăng vốn có thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao thời gian qua và đang giảm sâu cùng đà lao dốc của chỉ số chứng khoán lại là một thách thức mới trong bài toán tăng vốn của các ngân hàng.    

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục