Lợi nhuận giảm mạnh
Trước đây, thường chỉ có các ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ không đạt được chỉ tiêu kinh doanh xây dựng cho cả năm, thì điều bất ngờ trong kết quả kinh doanh năm 2013 vừa được các ngân hàng ồ ạt công bố, đó là một số nhà băng lớn, lợi nhuận giảm đến 90% so với kế hoạch.
Đơn cử, tổng lợi nhuận trước thuế của VIB trong quý IV/2013 là 57 tỷ đồng, lũy kế cả năm là 83 tỷ đồng; con số lợi nhuận sau thuế lần lượt là 26 tỷ đồng và 52 tỷ đồng, giảm 90% so với kế hoạch. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của VIB giảm mạnh là do chi phí trích lập dự phòng tăng cao đến 104 tỷ đồng trong quý IV/2013 và lũy kế cả năm là 879 tỷ đồng; nợ xấu tăng từ 2,75% lên 2,82% (1.000 tỷ đồng nợ xấu), trong đó có gần 300 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.
Trong năm qua, tăng trưởng dư nợ tín dụng của VIB đạt mức khá thấp, chỉ 3,8%, cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Ngân hàng giảm. Bên cạnh đó, khoản thu nhập lãi thuần của nhà băng này trong 2013 giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2012, cùng với thu nhập các hoạt động khác giảm, khiến lợi nhuận thu về ở mức thấp so với những năm trước (lợi nhuận trước thuế năm 2010 của VIB là 1.057 tỷ đồng, năm 2011 là 636 tỷ đồng).
Liên quan đến nợ xấu, SHB được xem là ngân hàng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu trong năm qua và có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đến 34%, đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn chiếm 4,05% trên tổng dư nợ, giảm đáng kể so với mức 8,5% cuối năm 2012. Tuy nhiên, nhà băng này đang có khoản nợ chờ xử lý của Vinashin trị giá 1.201 tỷ đồng. Nếu tính cả phần nợ này thì tỷ lệ nợ xấu của SHB là 5,62%, kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tăng. Lợi nhuận trước thuế sau chi phí dự phòng của SHB trong quý IV/2013 là 287 tỷ đồng, lũy kế cả năm là 1.002 tỷ đồng.
Những ngân hàng lớn cũng khó tránh được vòng xoáy nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cao, kéo theo lợi nhuận sụt giảm mạnh. Eximbank vừa đưa ra báo cáo tài chính quý IV/2013 với khoản lỗ 222 tỷ đồng trong quý này, do kinh doanh ngoại hối lỗ 230 tỷ đồng, trong khi trích dự phòng gia tăng, kéo khoản dự phòng rủi ro cả năm lên mức 300 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 71% so với kế hoạch. Năm 2014, Eximbank dự kiến tăng trưởng huy động vốn 21%; dư nợ tín dụng tăng 23%; lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 3%; cổ tức 8,5%.
ACB cũng lỗ gần 293 tỷ đồng trong quý IV/2013, do thu nhập lãi thuần, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản thu giảm 45%. Kinh doanh ngoại hối và vàng của ACB trong quý này lỗ 34 tỷ đồng, lỗ từ chứng khoán đầu tư là 75 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của ACB sau chi phí dự phòng trong quý IV/2013 âm 444 tỷ đồng và cả năm 2013 chỉ đạt 1.035 tỷ đồng, trong khi kế hoạch ban đầu là 1.800 tỷ đồng.
“Ông lớn” vẫn đạt nghìn tỷ
Trái với bức tranh màu xám của khối cổ phần, kết quả lợi nhuận đạt được của khối ngân hàng có vốn nhà nước vẫn sáng. BIDV có mức tăng lãi khá mạnh trong năm 2013, cho dù các khoản có khả năng mất vốn tăng trong quý IV/2013 và trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này lên đến 6.500 tỷ đồng trong cả năm 2013. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2013 của BIDV tăng gần 1.000 tỷ đồng. Ngoại trừ ngoại hối giảm một nửa lợi nhuận, các mảng còn lại hầu hết đều đem về khoản lãi cao hơn cho BIDV trong năm 2013. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2013 của BIDV tăng 23%, đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Năm 2014, BIDV dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận tối thiểu 6.000 tỷ đồng và nợ xấu dưới 2,6%.
Tương tự, VCB có gần 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, nhưng lợi trước thuế trong năm 2013 gần như giữ nguyên so với năm 2012, đạt 5.744 tỷ đồng. Riêng quý IV/2013, lợi nhuận của VCB tăng 28%.
Với VietinBank, ngân hàng này đạt 7.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2013, lợi nhuận sau thuế là gần 5.810 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận của VietinBank thấp hơn so với năm 2012, nhưng đây là ngân hàng có mức lãi cao nhất năm 2013.
Mùa ĐHCĐ ngân hàng đã cận kề nên các ngân hàng đang cân nhắc chỉ tiêu hoạt động của năm 2014, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận để trình cổ đông tại ĐHCĐ. Theo tìm hiểu của ĐTCK, trước thực trạng lợi nhuận thu về trong năm qua giảm khá mạnh, đồng thời hoạt động của ngành ngân hàng trong năm nay dự báo còn nhiều thách thức, nhất là với tín dụng, nên các ngân hàng tiếp tục tỏ ra thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu cho năm 2014, ngay cả với những “gương mặt xuất sắc” trong việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận như: VCB, VietinBank, BIDV, MB.
Đáng chú ý, kể từ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra năm 2008 đến nay, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm sau của các nhà băng này thường chỉ bằng năm trước. Chẳng hạn, 3 năm nay, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của VCB dao động trong khoảng 5.500 - 5.700 tỷ đồng. Tại khối ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra trong 2 năm qua luôn thấp hơn so với năm trước đó.
Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động của ngân hàng vẫn còn khó khăn nhất định, cho dù sức khỏe của nhà băng đã dần hồi phục sau giai đoạn tái cơ cấu. Nhưng để khôi phục được niềm tin và tăng trưởng, cần có thêm thời gian để cũng cố. Mặt khác, tín dụng tăng trưởng còn nhiều thách thức sẽ làm lợi nhuận suy giảm.