Để cải thiện lợi nhuận, cũng như giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, các ngân hàng đã và đang nỗ lực phát triển hoạt động dịch vụ.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ngân hàng cho biết, do hạn mức tín dụng không còn cao như trước, chiến lược tăng trưởng về để gia tăng nguồn thu bán lẻ đã được đẩy mạnh những năm gần đây và mang lại kết quả khả quan.
Chẳng hạn, tại MB, kết thúc năm 2018, Ngân hàng đạt 7.700 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, tăng 68% so với năm 2017, riêng Ngân hàng mẹ có lãi hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 31%.
Đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận cao của MB trong năm qua một phần nhờ bội thu từ dịch vụ, khi lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối năm 2018 lần lượt đạt 2.566 tỷ đồng và 445 tỷ đồng, cùng tăng trên 320% so với năm 2017; mua bán chứng khoán lãi 300 tỷ đồng, tăng 108%; thu nhập góp vốn mua cổ phần đạt gần 130 tỷ đồng, tăng 109%.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bảo hiểm hợp nhất ghi nhận lãi hơn 1.335 tỷ đồng, tăng gấp 570% lần so với năm 2017. Đóng góp từ hoạt động tín dụng vào tổng thu nhập hoạt động đã giảm từ 80% trong năm 2017 xuống 74,5% trong năm 2018.
Năm 2018, VPBank đạt lợi nhuận hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017 và là con số cao nhất từ trước tới nay với dấu ấn đến từ thu nhập phí. Cụ thể, trong năm qua, tổng doanh thu từ phí của VPBank đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước; lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của VPBank riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng 67%.
Đại diện VPBank cho biết, có được kết quả này là nhờ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh như bảo hiểm, thẻ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng số. Theo vị này, nguồn thu từ phí tăng cao cũng đồng nghĩa với việc sự lệ thuộc vào các sản phẩm cho vay truyền thống đang giảm dần.
Tại Sacombank, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, không phải đến thời điểm này, mà chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, tăng thu từ dịch vụ của Sacombank đã được chú trọng triển khai từ những năm trước nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, cũng như đem lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động của Ngân hàng.
Con số thu từ dịch vụ tính đến 31/12/2018 của Sacombank là 2.682 tỷ đồng, tăng 219% so với thời điểm 30/6/2017 và tăng 88% so với thời điểm 31/12/2016 đã phần nào minh chứng cho điều này. Kết thúc năm 2018, Sacombank đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 20% kế hoạch đề ra.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP. HCM, việc cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40% bắt đầu từ năm 2019 và áp dụng chuẩn mực Basel 2 từ đầu năm 2020 cũng tạo áp lực lên nguồn thu của các ngân hàng.
"Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã phải cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và chạy đua phát triển mảng dịch vụ nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng. Nguồn thu dịch vụ của các ngân hàng đến từ các khoản bán chéo bảo hiểm (bancassurance), các giải pháp tài chính như sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ…", ông Tín nói.
Thực tế, năm 2018, nguồn thu dịch vụ đã tăng mạnh ở một số ngân hàng lớn, còn tại những ngân hàng nhỏ, do thị phần hạn chế nên mức tăng trưởng thấp hơn, song vẫn chiếm 15-20% tổng nguồn thu.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng thu nhập dịch vụ của HDBank có thể sẽ đạt 150% trong năm 2018 và 70% trong năm 2019. Với MB, con số này là 80% trong năm 2018 và 50% trong năm 2019 nhờ tăng trưởng thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm.
Giới phân tích nhận định, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ sẽ còn tăng trưởng cao chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm, song mức tăng trưởng sẽ khác nhau tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của mỗi ngân hàng. Trong dài hạn, loại trừ các khoản thu nhập bất thường, tỷ trọng đóng góp từ dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng dần từ 8,6% (ước tính năm 2018) lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2022.