Ngân hàng nhỏ trước thách thức huy động vốn

(ĐTCK-online) Dịp Tết Nguyên đán là lúc cả doanh nghiệp và người dân đều có nhu cầu rút tiền chi tiêu, lãi suất huy động mà hầu hết các ngân hàng áp dụng ở mức "kịch khung" 14%/năm vẫn không giúp cải thiện khả năng huy động, đặc biệt là ngân hàng nhỏ.
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng nhỏ vẫn được duy trì ở mức cao, từ 14-15%/năm - Ảnh: Hoài Nam

Cào bằng lãi suất

Kể từ sau khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng chỉ áp dụng mức trần lãi suất cao nhất 14%/năm, đường cong lãi suất được duỗi thẳng. Lãi suất ngân hàng trả cho khách hàng gửi tiền từ kỳ hạn thấp đến cao đều ngang nhau ở mức trần. Chẳng hạn tại HDBank, lãi suất tiết kiệm được ngân hàng này áp dụng mức 14%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 36 tháng dành cho cả cá nhân và pháp nhân.

HDBank không đưa ra điều kiện nào đối với khách hàng để được hưởng mức lãi suất trần 14%/năm, song phải đến cuối kỳ đáo hạn người gửi tiền mới được lĩnh lãi suất nói trên. Còn ở Navibank, khách hàng chỉ cần gửi từ 100 triệu đồng trở lên đã hưởng được mức lãi suất cao nhất. Tại ACB, với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm "Đầu tư linh hoạt của ACB", khách hàng phải gửi mức tiền cao hơn 100 triệu đồng mới có được mức lãi suất trần.

Các ngân hàng vẫn ưu tiên áp dụng kỳ hạn ngắn lãi suất cao hơn kỳ hạn dài ngày. Nhưng nhìn chung, lãi suất đều được cào bằng ở mức trần cho phép, kể cả chứng chỉ tiền gửi VND vừa được một số nhà băng phát hành như TrustBank, GiaDinh Bank cũng không thể áp dụng mức lãi suất thấp hơn 14%/năm, với kỳ vọng hút được vốn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, trong lúc này không thể nói là dễ huy động vốn. Trước áp lực lạm phát tháng cận Tết Nguyên đán đè nặng lên tâm lý người gửi tiền nên mức trần lãi suất tiết kiệm vẫn không hấp dẫn được nguồn tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, hoạt động cho vay của ngân hàng cũng được tính toán khá kỹ trên cơ sở cân đối cung - cầu vốn, cũng như đảm bảo các tỷ lệ theo quy định của NHNN đưa ra tại Thông tư 13.

 

Ngân hàng nhỏ khó hơn

Theo ông Tuấn, cái khó nhất trong huy động vốn đối với các nhà băng có quy mô cỡ vừa và nhỏ hiện nay chính là khi trần lãi suất huy động được áp dụng cho tất cả các ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ không dễ cạnh tranh với các ngân hàng lớn để thu hút tiền gửi của người dân. Thực tế, tâm lý của người gửi tiền luôn muốn chọn mặt gửi vàng, tức chọn nơi quy mô và uy tín, nhất là khi lãi suất được áp dụng mức như nhau.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ tại TP. HCM cho rằng, trong trường hợp cần ổn định mặt bằng lãi suất thì việc NHNN áp dụng mức trần đối với lãi suất tiết kiệm là cần thiết để chấn chỉnh thị trường. Song điều đó không thể kéo dài khi thị trường đã phần nào đi vào ổn định. Nếu tiếp tục áp dụng mức trần thì nên đưa yếu tố thị trường vào, còn không sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.

Điều này được giải thích là khi thị trường có biến động, có thể mệnh lệnh của NHNN là phải áp dụng một mức lãi suất tiết kiệm như nhau, nhưng khi mặt bằng lãi suất đã đi vào ổn định thì cần trả lãi suất cho thị trường, chứ không thể áp dụng đồng đều, vì rủi ro khác nhau.

Chính vì khó cạnh tranh được trong huy động vốn nên thị trường vẫn khó tránh tình trạng tồn tại 2 bảng lãi suất. Không loại trừ một số ngân hàng nhỏ và kể cả cỡ vừa phải trả thỏa thuận "ngầm" lãi suất với khách hàng gửi tiền để thu hút vốn.

Chị Hoa, đang công tác tại một quỹ đầu tư ở TP. HCM cho biết, với số tiền tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng, sau khi đáo hạn chị vẫn "điều đình" được với ngân hàng mức lãi suất trên mức trần cho phép. Đồng thời, phần chênh lệch này được ngân hàng trả bằng tiền mặt.

Trần lãi suất VND bị hạn chế, hàng loạt ngân hàng gần đây đã tăng lãi suất huy động ngoại tệ. Nhưng câu chuyện thực về việc tăng lãi suất ngoại tệ cũng rất đáng chú ý.

Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, không loại trừ được việc ngân hàng "lách" trong huy động. Ông Dương cho rằng, việc nâng lãi suất huy động USD lên mức cao của một số ngân hàng trong thời gian gần đây, đạt trên 6,2%/năm là nhằm kỳ vọng hút được nguồn vốn ngoại tệ. Sau đó, nhà băng sẽ đẩy vốn cho khách hàng vay, vì hiện lãi suất cho vay tiền đồng còn ở mức khá cao, dao động 19 - 10%/năm. Mặt khác, khi cho vay ngoại tệ sẽ có doanh nghiệp bán lại ngoại tệ lại cho ngân hàng. Như vậy, nhà băng sẽ đạt được mục đích là đẩy mạnh được hoạt động cho vay và có ngoại tệ để chuyển sang tiền đồng. Tuy nhiên, theo ông Dương, nếu không thận trọng rủi ro sẽ khó lường.

Bởi rủi ro về biến động tỷ giá nếu có xảy ra sẽ đè nặng lên doanh nghiệp khi các hợp đồng vay ngoại tệ đến hạn. Đáng chú ý là khi cung - cầu ngoại tệ trên thị trường không những khó được cần bằng mà còn trở nên căng thẳng trong dịp cận Tết.

Cũng theo nhận định của TS Lê Thẩm Dương, khả năng phải về gần cuối quý II/2010 lãi suất mới hạ nhiệt, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Điều này cũng được các nhà băng kỳ vọng vào hoạt động cho vay khi lãi suất thỏa thuận giảm.

Thuỳ Vinh
Thuỳ Vinh

Tin cùng chuyên mục