Trong nhiều năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc giục các ngân hàng giảm tỷ lệ nắm giữ tại các công ty khách hàng. Các ngân hàng sở hữu cổ phần tại các công ty có mối quan hệ vay nợ thường có xu hướng cung cấp các khoản vay cẩu thả hơn.
Chưa kể, nhà băng cũng dễ tổn thương hơn trước các biến động thị trường nếu tổ chức mà họ nắm giữ cổ phiếu biến động theo hướng tiêu cực, hoặc nhà băng sở hữu danh mục cổ phiếu thiếu tính cân bằng.
Tuy nhiên, các nhà băng lớn đã kháng cự khi việc ngân hàng nắm giữ cổ phần tại các công ty niêm yết ít có sự thay đổi trong 3 năm qua, theo báo cáo của Nomura Securites Co. Một ví dụ điển hình là Bank of Kyoto Ltd, khi giá trị cổ phiếu mà ngân hàng này nắm giữ nhiều hơn 682 tỷ yên (6,2 tỷ USD) so với giá trị thị trường của Ngân hàng, tính tới tháng 3/2017.
Bank of Kyoto sở hữu cổ phiếu của hàng loạt công ty công nghệ hot, trong đó có Kyocera Corp, Nintendo Co và Nidec Corp. Trả lời phỏng vấn Bloomberg vào tháng 1/2016, đại diện nhà băng cho biết, họ không hề có ý định bán đi số cổ phiếu này. Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi giá cổ phiếu của Bank of Kyoto chỉ giao dịch ở mức 0,5 lần giá trị sổ sách.
Dù vậy, chính sách lãi suất thấp kéo dài đã thay đổi mọi chuyện.
Chẳng hạn, Mitsubishi UFJ Finanancial Group Inc, ngân hàng khổng lồ vừa báo cáo kết quả kinh doanh tốt nhất trong quý II/2017 trong số các ngân hàng Nhật Bản.
Theo đó, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động đã giảm xuống chỉ còn 0,87%/năm, so với mức 0,92%/năm cách đây 1 năm, trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động chỉ ở mức 60%. Con số này cho thấy, gần như không hề có nhu cầu vay mượn tại Nhật Bản.
Bởi vậy, việc bán bớt đi cổ phiếu đang nắm giữ là lựa chọn thích hợp. Trường hợp nổi bật nhất là Mizuho Financial Group Inc, ngân hàng đang chứng kiến lợi nhuận giảm sút so với năm ngoái. Nếu không có động thái bán cổ phiếu, Mizuho sẽ gặp báo động đỏ về lợi nhuận, khi nguồn tiền thu được từ bán cổ phiếu đang chiếm tới hơn một nửa thu nhập trong quý II.
Nhờ có việc bán bớt cổ phiếu đang nắm giữ, cả 3 nhà băng là Mizuho, Mitsubishi và Sumitomo Mitsui Financial Group Inc đều có khả năng đạt được mức lợi nhuận mục tiêu đã đề ra cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm sau.
Mặc dù vậy, những động thái bán cổ phiếu này mới chỉ là một phần nhỏ trong mỏ vàng mà các nhà băng nắm giữ. Với việc chỉ số Topix đã tăng 25% trong 12 tháng qua, số cổ phiếu mà các ngân hàng nắm giữ là núi tài sản khổng lồ.
Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui Financial Group Inc đang sở hữu số cổ phiếu có giá trị lên tới gần 7.000 tỷ yên tính tới cuối tháng 6. Số tiền này cao hơn 30% so với tổng giá trị thị trường của cả 3 ngân hàng.
Các nhà băng Nhật Bản đang ở trong bối cảnh khó khăn, bởi trong khi các quốc gia khác thuộc G-10 đang dần tiến hành nâng chi phí cho vay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn kiên quyết giữ chiến lược cũ, hầu như không có tín hiệu sẽ cải thiện lãi suất.
Kết quả của chính sách này chính là các nhà băng buộc phải phần nào bán bớt đi số lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Điều này giúp giảm sở hữu chéo, đồng thời cải thiện yếu tố quản trị. Đây là kết quả tích cực bất ngờ mà giới chức Nhật Bản nhận được trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp hiện tại.