Trước tình hình tỷ giá liên tục nóng lên, ngày 7/5 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá lên 1%, nâng mức điều chỉnh tỷ giá từ đầu năm đến nay là 2%. Tuy nhiên, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, gần 3 tuần qua, tỷ giá vẫn liên tục nóng lên. Đơn cử, ngày 25/5), giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã lên tới 21.870 đồng/USD, chỉ còn cách trần 20 đồng/USD.
Hôm 26/5, tỷ giá vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Chiều 26/5, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 21.800 - 21.860 đồng/USD (mua vào – bán ra), cách mức giá trần do NH Nhà nước quy định đúng 30 đồng.
So với phiên giao dịch trước, giá USD trong các NH không đổi và tiếp tục neo ở mức cao trong nhiều ngày qua. Nếu tính từ phiên điều chỉnh tỉ giá tăng thêm 1% hồi đầu tháng 5, giá USD đã tăng 150 đồng/USD.
Tuy tỷ giá có dấu hiệu nóng lên, song trả lời báo chí, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm theo đúng biên độ đề ra từ đầu năm, điều này có nghĩa là từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá.
“Qua phân tích, đánh giá nhiều khía cạnh tác động và đứng trên quan điểm tổng thể lợi ích của quốc gia, không hướng đến mục tiêu duy nhất nào, NHNN tiếp tục định hướng cả năm 2015 sẽ điều hành trong phạm vi 2% như đề ra từ đầu năm”, Phó Thống đốc nói.
Lý giải thêm về nguyên nhân không điều chỉnh tỷ giá, Phó Thống đốc cho hay, thứ nhất, việc phá giá VND ở mức cao sẽ mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu nhưng với ngành sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài thì lại bất lợi vì giá đầu vào tính bằng đồng nội tệ gia tăng. Ví dụ, với ngành dệt may, tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu năm 2013 là 82,5%; 70% đối với sản phẩm gỗ, 65% đối với sản phẩm may mặc, 50-60% đối với sản phẩm da giày.
Tương tự, phá giá để có lợi ích cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhưng lại làm đông đảo bà con nông dân phải chịu giá cao khi mua phân bón, thuốc trừ sâu, các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp… Chưa kể đến một thực tế là hàng xuất khẩu của Việt Nam thường bán ở mức giá thấp hơn nhưng năng lực cạnh tranh lại ở mức thấp do giá trị sử dụng không vượt trội, chất lượng hàng hóa thấp, ít có cải tiến, nâng cao phẩm cấp, mẫu mã, chất lượng... Với thực trạng này, việc điều chỉnh tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá có thể hỗ trợ xuất khẩu nhưng không nhiều.
Thứ hai, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hiện nay lên tới trên 80% GDP, phản ánh sản xuất phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu. Như vậy, rõ ràng phá giá sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Thứ ba, việc điều chỉnh tăng tỷ giá vượt biên độ định hướng đề ra sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ, ảnh hưởng tới việc kiểm soát nợ công khi đang ở sát ngưỡng 65% GDP. Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp cũng tăng.
Về lạm phát, dù mức hiện tại trong tầm kiểm soát nhưng không thể chủ quan khi giá dầu tăng trở lại. Chưa kể lạm phát còn chịu tác động trễ của chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, cũng như xu hướng đang tăng trở lại của tín dụng đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tỷ giá được NHNN điều chỉnh tăng liên tục trong những năm qua (ngay cả thời gian đồng USD giảm giá, thì tỷ giá của VND/USD vẫn luôn được điều chỉnh tăng), mức điều chỉnh cao nhất là năm 2011 (tăng 9,3%), sau đó mỗi năm tăng từ 1-2% một năm. Bởi vậy VND không còn bị đánh giá quá cao như trước đây. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia IMF trong thời gian qua cũng cho thấy tỷ giá VND/USD hiện trong vùng phù hợp (aligment), chưa có dấu hiệu bị đánh giá sai (mis-aligment).
“Từ đầu năm đến nay, hệ thống vẫn mua ròng ngoại tệ. Do đó, cách thức điều hành này sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì vậy, NHNN sẽ điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, tiếp tục theo dõi sát thị trường, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong biên độ cam kết từ đầu năm”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Tuyên bố của lãnh đạo NHNN về giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm đã phá vỡ mọi dự đoán của các chuyên gia kinh tế trước đó. Đồng thời, tuyên bố này cũng đã “dẹp” được một phần tâm lý đầu cơ tỷ giá.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã nhiều lần nổi sóng và NHNN vẫn kiên định cho rằng, nguyên nhân tăng giá phần lớn là do yếu tố tâm lý và kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, có hay không việc các nhà băng đầu cơ tỷ giá bởi trên thực tế, dù giá USD liên tục được các ngân hàng đẩy lên cao, song cung cầu ngoại tệ không hề có dấu hiệu căng thẳng.
Chưa kể, giá USD trên thị trường tự do cũng không có dấu hiệu sốt hay khan hiếm. Thông thường, thị trường chỉ có dấu hiệu khan hiếm khi giá USD trên thị trường tự do và trong ngân hàng chênh lệch trên 100 đồng/USD song hiện nay giá USD của hai thị trường tương đương nhau. Thậm chí, tại mộ số thời điểm, giá USD bán tại ngân hàng cao hơn giá thị trường tự do.