Cụ thể, Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) đến 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10/2013. Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống TCTD, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng (cuối tháng 12/2013).
Tuy mức giảm nợ xấu còn chưa nhiều song đó là tín hiệu hết sức tích cực phản ánh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.
Để có được những kết quả trên, hệ thống ngân hàng đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu như: cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động, tích cực đôn đốc, thu hồi nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh mới. Đặc biệt là việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chậm phục hồi và khả năng trả nợ của khách hàng vay còn yếu thì áp lực tăng nợ xấu là rất lớn.
Biện pháp cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thực sự có ý nghĩa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng trở lại nếu kinh tế vĩ mô và điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản chậm được cải thiện.
Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.