Ngân hàng Nhà nước: Người dùng Internet Banking nên thay đổi mã khóa giao dịch

(ĐTCK) Trước thông tin 15 website ebanking của các ngân hàng thương mại bị tấn công được thông tin trong ngày 10/4, chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông cáo cho biết, đã kiểm tra, yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về thông tin trên.
Theo NHNN, báo cáo nhanh nhận được từ tất cả các tổ chức tín dụng cho thấy, đến thời điểm hiện nay, các hệ thống thông tin của ngành vẫn an toàn, hoạt động bình thường.

Cũng theo NHNN, giải pháp bảo mật trong giao dịch của ngành ngân hàng là một nhóm các giải pháp tích hợp như: ngoài việc sử dụng giao thức mã hóa SSL, ngân hàng còn sử dụng hạ tầng khóa công khai (PKI), thiết bị sinh khóa theo từng lần giao dịch (OTP)… Do đó, hacker có thể lợi dụng được lỗ hổng bảo mật OpenSSL Heartbleed, nhưng cũng không thể chọc thủng được hệ thống an ninh của hệ thống thông tin ngân hàng.

NHNN cho rằng, về lỗ hổng của OpenSSL được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn Google và hãng bảo mật Codenomicon là một lỗ hổng được đặt tên là Heartbleed. Ngay sau khi nhận được thông tin trên, các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng đã triển khai ngay việc rà soát và cập nhật phiên bản OpenSSL mới. Đến thời điểm cuối ngày 10/4, việc rà soát, khắc phục lỗ hổng OpenSSL của các ngân hàng đã hoàn tất và các hệ thống thông tin của ngành ngân hàng vẫn hoạt động bình thường. Do đó, khách hàng có thể yên tâm sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên Internet, NHNN cũng có đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến đúng quy định của ngân hàng về việc quản lý, thay đổi mã khóa giao dịch và sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản để giám sát tài khoản của mình và phản hồi ngay cho ngân hàng đối với các thông báo về các giao dịch không phải do mình thực hiện.

Có thể nói, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Hầu như toàn bộ các nghiệp vụ ngân hàng đã được tin học hóa ở mức cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành nội bộ, cung cấp các dịch vụ ngân hàng tiên tiến cho khách hàng (như dịch vụ Internet banking, Mobile Banking, SMS Banking, các dịch vụ thẻ,...). Với đặc điểm trên, ngành ngân hàng thực sự phải đối mặt với các thách thức về an ninh công nghệ thông tin, nhất là đối với các dịch vụ cung cấp trên Internet.

Vì thế, NHNN cho rằng, những nguy cơ nhằm vào ngành ngân hàng là rất lớn. Theo thông tin từ Bộ Công an, tháng 4/2013, trên toàn thế giới số lượng các phần mềm độc hại nhằm vào các giao dịch tài chính, ngân hàng lên đến 125.000 lượt/ngày. Như vậy, có thể thấy việc bảo đảm an ninh công nghệ thông tin cho ngân hàng và khách hàng là nhiệm vụ thường xuyên của ngành ngân hàng.

Với vai trò quản lý nhà nước về công nghệ thông tin trong toàn ngành ngân hàng, NHNN cho biết, đã chủ động triển khai tổng thể các giải pháp về an ninh công nghệ thông tin trong toàn ngành từ rất sớm. Chẳng hạn như ban hành và tổ chức triển khai nhiều văn bản quy phạm về an ninh công nghệ thông tin.

Hàng năm, NHNN còn thực hiện tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về an ninh công nghệ thông tin của các đơn vị trong ngành ngân hàng thông qua hệ thống báo cáo và kiểm tra tại chỗ.

Ngoài ra, dựa trên các nguồn thông tin thu thập được từ Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hãng công nghệ thông tin,… NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cho các tổ chứ tín dụng triển khai kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục