Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo phương án cơ cấu lại SCB

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB do nhà đầu tư xây dựng, NHNN đã dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị về phương án cơ cấu lại SCB.

NHNN cho hay đang tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Đề án 689) theo chỉ đạo của các cấp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực ngày 11/3/2025 và trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB do Nhà đầu tư xây dựng, NHNN đã dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị về phương án cơ cấu lại SCB. Hiện, NHNN đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan đối với dự thảo nêu trên.

Với các ngân hàng yếu kém khác, cuối năm 2024 và đầu năm 2025, NHNN đã tích cực tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Nghị quyết chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á làm cơ sở để NHNN ban hành các quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng này. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lộ trình xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng.

Nợ xấu toàn ngành đang được kiểm soát. Tính đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảngcủa hệ thống (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, GPBank, VCBNeo, Vikki Bank, SCB) ở mức 1,88%.

Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã có bước tiến lớn, song NHNN cũng thừa nhận, tiến độ cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm, do phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước.

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm cố gắng thực hiện được các giải pháp, mục tiêu của Đề án 689. Tập trung thực hiện phương án xử lý các TCTD yếu kém, triển khai cơ cấu lại các NHTM được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD; tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục