Ngân hàng Nhà nước có thể đã bán 500 - 700 triệu USD, tỷ giá sẽ hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
Dữ liệu của WiGroup cho thấy Ngân hàng Nhà nước có thể đã bán 500 - 700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD - tính đến năm 2023) để hạ nhiệt tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước có thể đã bán 500 - 700 triệu USD, tỷ giá sẽ hạ nhiệt

Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ, tỷ giá hạ nhiệt dần

Theo Báo cáo vĩ mô tiền tệ được thực hiện bởi WiResearch (WiGroup), tính đến ngày 3/5, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của Ngân hàng Nhà nước.

“Theo thông tin từ các kênh của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD. Chúng tôi cho rằng, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024”, các chuyên gia WiGroup nhận định.

Nguyên nhân giúp giảm áp lực tỷ giá, theo các chuyên gia, là do: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (được xem là động thái nới lỏng nhẹ).

Cùng với đó, nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến tăng cao, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN, hướng tới tỷ giá VND/USD trong giao dịch kỳ hạn…

Trước đó, tỷ giá tăng nóng trong tháng 4/2024. Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng linh hoạt 2 công cụ trên thị trường OMO. Trong đó, hoạt động mua kỳ hạn 7 ngày nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn, và mang định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời tín phiếu - kỳ hạn 28 ngày được phối hợp sử dụng với khối lượng gọi thầu trước đó dần đáo hạn.

Tính đến ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước đang duy trì trạng thái bơm ròng gần 62.000 tỷ đồng nhằm đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng mục tiêu mong muốn.

Về lãi suất, trong tháng 4/2024, lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó (đối với lãi suất kỳ hạn 12 tháng).

Tuy nhiên, mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp, điều này cho thấy rằng thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào.

Wigroup cho rằng, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Áp lực lạm phát gia tăng, song bức tranh kinh tế sẽ tươi sáng hơn

Theo WiGroup, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 đã mất đà tăng tốc, giảm 15% so với quý trước, đạt 5,7%.

Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư trong nước còn yếu, dù xuất khẩu ghi nhận kết quả ấn tượng.

Tuy vậy, so với cùng kỳ, GPD quý đầu năm nay đã tăng hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023.

WiGroup cho rằng, bức tranh nền kinh tế sẽ tươi sáng hơn trong các quý sau, với con số ước tính quý II/2024 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ và cả năm 2024 sẽ tăng trưởng 6,2%, dựa trên động lực bên trong nền kinh tế.

Về lạm phát, bóc tách chỉ số CPI theo tháng, Wigroup cho rằng, con số đã thể hiện rõ những dấu hiệu về áp lực lạm phát Việt Nam sẽ cao trong thời gian tới.

Tính đến tháng 4/2024, lạm phát tăng lên mức 4,4% so cùng kỳ, khá gần với lạm phát trung bình mục tiêu của Chính phủ là 4,5%.

Lạm phát đang tập trung vào giá lương thực, xăng dầu, nhà ở và vật liệu xây dựng, và dịch vụ giáo dục tăng so với mức nền thấp vào tháng 4/2023.

“Chúng tôi cho rằng, áp lực lực lạm phát Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 4% ít nhất là trong quý II/2024. Sự tăng đột biến này có thể đến từ giá dầu thô sẽ tăng lên mức cao mới - ảnh hưởng bởi rủi ro địa chính trị toàn cầu...

Như vậy, điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá xăng dầu trong nước, khiến chỉ số giao thông tăng đột biến (chiếm 10% rổ CPI). Cũng như giá điện, giá học phí, chi phí chăm sóc sức khoẻ và tăng trưởng tín dụng… tăng là nguyên nhân tác động đáng kể đến lạm phát”, báo cáo nhận định.

H.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục