Các nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng nêu các nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành ngân hàng, đó là: chính sách tiền tệ và tỷ giá phải được tiếp tục điều hành hiệu quả, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện được cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp; thúc đẩy tăng trưởng năm 2018, trong trung và dài hạn; quản lý tốt hơn thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; quan tâm tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt lĩnh vực tín dụng rủi ro.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thanh tra, giám sát của NHNN để kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa sai phạm. Các tổ chức tín dụng phải nâng cấp hệ thống quản trị vốn, giám sát tài chính theo quy chuẩn quốc tế; đẩy mạnh phát triển ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập hiệu quả hệ thống ngân hàng quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn, hạn chế rủi ro, tiêu cực, tội phạm; tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý chặt các loại tiền ảo, tài sản ảo; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng…
Kế hoạch của NHNN
Đối với các vấn đề được Thủ tướng đề cập trên, thực tế, NHNN cũng đã có kế hoạch triển khai. Cụ thể, mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát đã được đề cập trong dự thảo Chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018 nêu rõ: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,7%); bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Năm 2018, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của kiểm soát, kiểm toán nội bộ của mỗi tổ chức tín dụng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Từng bước lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế; tiếp tục phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý các hệ thống thanh toán, tăng cường việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ, dự thảo Chỉ thị đặt ra nhiệm vụ chi tiết đối với các đơn vị tại trụ sở chính của NHNN như tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Thường xuyên rà soát, phát hiện, kiến nghị sửa đổi bổ sung, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành ngân hàng, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Đối với các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 9 điểm cần triển khai; đối với các tổ chức tín dụng, có 10 điểm cần triển khai. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2018 phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN.
Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh…
“Thận trọng trong tăng trưởng tín dụng tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông…). Thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực này nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động”, dự thảo Chỉ thị nhấn mạnh.