Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết, ngày 18/3 vừa qua, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 1607/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Maritime Bank theo Đề án sáp nhập đã được hai ngân hàng trình. Kế hoạch sáp nhập giữa hai ngân hàng đã được ĐHCĐ của Maritime Bank và MDB thông qua năm 2014.
Mới đây, ngày 13/2/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận nguyên tắc cho MSB mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam.
Với việc được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc, việc "về chung nhà" giữa Maritime Bank và MDB không còn xa. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng (gồm 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ của Maritime Bank và 3.750 tỷ đồng của MDB), tổng tài sản 113.000 tỷ đồng.
Việc MDB sáp nhập vào MaritimeBank không gây ngạc nhiên bởi hai ngân hàng này có chung sở hữu. Maritime Bank là cổ đông lớn của MDB với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2012 là trên 10%. Nếu sáp nhập, cặp đôi này sẽ góp phần giảm bớt sở hữu chéo trong hệ thống, phù hợp chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, thời gian qua, Maritime bank đã có thời gian dài hỗ trợ MDB với tư cách là cổ đông lớn trong nhiều lĩnh vực. Chưa kể, MDB hiện là một ngân hàng nhỏ nhất nhì hệ thống, nên khả năng sáp nhập là khó tránh.
Hiện Maritime Bank chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014, song kết quả kinh doanh tính đến 30/6/2014 của ngân hàng này không mấy khả quan khi tín dụng tăng trưởng âm 6,36%, lợi nhuận đạt thấp.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng tài sản của Maritime Bank đến hết 30/6 là 109.200,26 tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng huy động là 2,09% với tiền gửi khách hàng đạt 66.859,48 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng âm 6,36% so với thời điểm 31/12/2013 với cho vay khách hàng đạt 25.665,49 tỷ đồng. Đến 30/6/2014, lợi nhuận trước thuế lũy kế của ngân hàng này là 98,56 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 6 tháng là 76,5 tỷ đồng, giảm 59% so với nửa đầu năm 2013. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) trong nửa đầu năm 2014 của Maritime Bank là 96 đồng, giảm mạnh so với 234 đồng trong cùng kỳ năm trước.
Không chỉ kết quả kinh doanh kém, nợ xấu của Maritime Bank cũng được đánh giá là khó xử lý do có nhiều khoản nợ liên quan đến chứng khoán, bất động sản...
Tương tự, MDB cũng chỉ mới có báo cáo tài chính đến quý III/2014. Theo đó, tính đến 30/9/2014, lợi nhuận sau thuế của MDB đạt 88,3 tỷ đồng, cao hơn con số 71,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này tính đến 30/9/2014 lại chỉ đạt trên 32 tỷ, thấp hơn khá nhiều so với mức gần 50 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013.
Như vậy, cả Maritime Bank và MDB đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Dù vậy, theo phân tích của các chuyên gia, việc có chung sở hữu chéo sẽ giúp hai ngân hàng thuận lợi hơn trong quá trình sáp nhập.
Trước đó, trả lời báo Đầu tư, đại diện Maritime Bank cho rằng, tuy tổng tài sản nhỏ, song MDB lại có những lợi thế mà Maritime Bank không có, điều này sẽ giúp hai bên phát huy được lợi thế của nhau, gia tăng vị thế trên thị trường.
Cụ thể, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, vốn điều lệ khoảng 11.000 tỷ đồng, hệ thống mạng lưới gần 300 điểm trên toàn quốc. Với quy mô này, sau sáp nhập, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ thuộc Top 5 và mạng lưới giao dịch thuộc Top 3 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Ngoài việc nâng tầm quy mô, sau sáp nhập, ngân hàng cũng sẽ đa dạng hóa được sản phẩm, dịch vụ, mang lại thêm nhiều lợi ích và sự thuận tiện cho các phân khúc khách hàng.
“Ngoài ra, MDB phát triển mạng lưới chủ yếu ở phía Nam, đặc biệt khu vực miền Tây và có thế mạnh trong phân khúc khách hàng nhỏ ở khu vực nông thôn. Vì vậy, với việc sáp nhập, MDB sẽ mang tới sự bổ sung tốt cho Maritime Bank để phát triển toàn diện”, đại diện Maritime Bank nói.
Thương vụ sáp nhập Maritime Bank - MDB chính thức "khởi động" cho mùa M&A ngân hàng dự báo sẽ sôi động trong năm nay. Các thương vụ đang được xúc tiến khác là: Southern Bank - Sacombank; VietinBank - PGBank, Vietcombank - SaiGonbank. Ngoài ra, còn một số thương vụ đang được đồn đoán như NamABank - Eximbank, DongABank - ABBank, BIDV - MHB...