Giám đốc phụ trách khối kinh doanh tiền tệ một ngân hàng cho biết, đến ngày 2/12, tỷ giá ngoại tệ mua vào - bán ra bình quân đã giảm còn 21.385 - 21.387 VND/USD nhờ lực bán mạnh USD của NHNN mấy ngày qua. Theo đó, nhu cầu của khách hàng vào khoảng 400 - 500 triệu USD đã được đáp ứng và phần còn lại là để các ngân hàng đóng bớt trạng thái ngoại tệ. Tổng trạng thái âm trong toàn hệ thống hiện chỉ còn khoảng 500 triệu USD so với hơn 1 tỷ USD của tuần trước. Cùng với việc thanh khoản ổn định, nhu cầu đầu tháng thấp, thị trường ngoại hối đã trở lại bình thường.
Quyền Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Bình cho biết, tỷ giá mấy tuần vừa qua đã tăng đáng kể. Trong một thời gian dài, tỷ giá “mắc kẹt” trong mức 21.200 VND/USD thì hiện nay đang có xu hướng nhích nhẹ và giao dịch quanh mức 21.400 VND/USD là hết sức bình thường, phản ánh cung - cầu cũng như kỳ vọng của thị trường.
“Xét theo cung - cầu của thị trường thì thường chúng ta thấy, vào cuối năm, nhu cầu thanh toán của các DN tăng lên. Bên cạnh đó, trước đây, các ngân hàng thường sử dụng trạng thái ngoại tệ âm để lấy VND phục sản xuất kinh doanh. Sau một thời gian dài với trạng thái âm lớn như vậy, hiện nay, các ngân hàng đang giảm trạng thái đó và dẫn đến nhu cầu trên thị trường gia tăng”, bà Bình nhận định.
Còn đứng ở góc độ kỳ vọng, bà Bình cho rằng, cũng có những kỳ vọng tăng giá thời gian qua do nhu cầu mang tính chất mùa vụ. Các DN, về cuối năm, thường có xu hướng tăng mua ngoại tệ.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân quan trọng không thể không nhắc tới, theo bà Bình, đó là đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Cụ thể, USD đã tăng giá khoảng 10% so với đồng Yên Nhật trong tháng qua, 3% so với đồng EUR… Điều này có thể tạo ra một kỳ vọng trên thị trường Việt Nam là VND cũng sẽ mất giá so với USD.
“Đặc biệt, Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng, vừa được ban hành, đã ảnh hưởng tới một số ngân hàng nhỏ và ngân hàng nước ngoài về số lượng trái phiếu nắm giữ và thị trường cũng đã có hiện tượng các ngân hàng bán trái phiếu ra, ảnh hưởng đến nhu cầu về ngoại tệ trong thời gian qua”, bà Bình nói.
Có thể thấy, trên đây là một số yếu tố làm tỷ giá có xu hướng nhích lên. Tuy nhiên, ở góc độ tổng cung - cầu, như NHNN đã khẳng định, biến động là không đáng kể. Đặc biệt, NHNN cũng đã bán ra ngoại tệ để chủ động ổn định thị trường.
“Theo thông tin chúng tôi được biết, NHNN đã bán ngoại tệ ra trong vài ngày qua để ổn định thị trường, nhưng do thị trường có một chút tâm lý nên khi tâm lý chưa yên thì tỷ giá vẫn chưa yên. Tuy nhiên, đầu tuần này, thị trường đã trở lại bình thường và nếu trong một vài ngày tới, NHNN vẫn kiên quyết ổn định và tiếp tục bán ra USD thì tỷ giá sẽ còn giảm hơn. Với động thái này của NHNN, từ nay đến cuối năm, hoạt động ngoại hối của thị trường sẽ bình thường hơn, tâm lý ít bị ảnh hưởng hơn và chủ yếu dựa trên cung - cầu của thị trường, mà như chúng ta thấy, cán cân thanh toán thương mại hay cán cân thanh toán nói chung của Việt Nam vẫn đang dương”, bà Bình nhấn mạnh.
Báo cáo của HSBC về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2014 vừa công bố cũng nhận định, trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng tạo áp lực lên đồng Việt Nam nhưng trừ điểm này, tiền đồng có thể đạt ổn định do thặng dư tài khoản vãng lai. Trong tháng 11, nhập khẩu tăng 25,8%, trong khi xuất khẩu tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm, tốc độ tăng này còn nhanh hơn khi so sánh với năm trước do tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tăng. Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh cùng với hoạt động thu lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài đã làm cho tiền đồng tăng đạt mức trần cho phép của NHNN.
“Chúng tôi tin rằng, ngoài các thời điểm căng thẳng theo chu kỳ, nhiều khả năng, tiền đồng sẽ ổn định nhờ các dòng vốn FDI ổn định đổ vào Việt Nam và tài khoản thương mại đạt thặng dư 2 triệu USD tính từ đầu năm đến nay”, bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế HSBC nói.