Ngân hàng ngoại nửa mừng, nửa lo

(ĐTCK-online) Với các tổ chức tín dụng nước ngoài, nếu những con số thống kê 2009 như một liều thuốc an thần thì viễn cảnh tương lai gần lại có thể như một cơn ác mộng.
Khối ngân hàng ngoại có vẻ đang khá “xuôi chèo mát mái” khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Khối ngân hàng ngoại có vẻ đang khá “xuôi chèo mát mái” khi thâm nhập thị trường Việt Nam.

Vui cứ vui…

Khuôn mặt của Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam Ashok Sud như giãn ra sau một ngày làm việc căng thẳng. Khác hẳn với phong thái thường ngày, trong bộ trang phục hơi “bụi”, ông nở nụ cười thoả mãn khi được hỏi về kết quả kinh doanh của Ngân hàng năm 2009. “Tốt và quan trọng là tốt hơn năm trước”.

Năm nay, Ngân hàng Standard Chartered có nhiều thứ để vui. Không những mở rộng được phân khúc ngân hàng bán lẻ, mà với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn, họ đã “quyến rũ” được những khách hàng lớn, kể cả Tổng công ty Xi măng Việt Nam, những doanh nghiệp mà trước đây “đương nhiên” là khách hàng của khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam, sẽ kết thúc vào cuối năm 2010, đang “xuôi chèo mát mái”.

Cũng giống như Standard Chartered, khối tổ chức tín dụng năm nay có thể xoa tay hài lòng. Trong 10 tháng đầu năm 2009, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng mức lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng nước ngoài đạt 2.947 tỷ đồng, tức là gấp đôi mức 1.418 tỷ đồng của 10 tháng đầu năm 2008.

Nhìn vào mức tăng trưởng 100% này, bà Dương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng rất ấn tượng và thừa nhận rằng các tổ chức tín dụng nước ngoài làm ăn khá bài bản và chuyên nghiệp. Nhìn vào con số tuyệt đối, tổng số lãi của khối tổ chức tín dụng nước ngoài có thể chưa bằng một ngân hàng cỡ lớn của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ thể hiện xu hướng chiếm lĩnh thị trường của khối này.

“Quy tắc kinh doanh chặt chẽ theo mô hình của ngân hàng mẹ, nên tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng nước ngoài rất thấp”, bà Hương nhận định.

Quả thực, tỷ lệ nợ xấu của khối ngoại là dưới 1%, thấp hơn khá nhiều mức bình quân thị trường ngân hàng là trên 2%.

Đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các tổ chức tín dụng nước ngoài, theo bà Hương là sự tăng trưởng liên tục trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu sử dụng dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”.

 

…lo cứ lo

Bỏ lại sau lưng những thành công quá khứ, khi nhìn nhận về thị trường trong 2010 và các năm tiếp theo, ông Ashok Sud tỏ ra một chút quan ngại về việc cơ quan quản lý có khả năng “siết” hoạt động tín dụng của các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng ngoại.

Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mới, Điều 128 đã siết chặt quy định cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Theo đó, đối với một khách hàng, các chi nhánh và ngân hàng nước ngoài chỉ được phép cho vay không quá 15% vốn điều lệ đăng ký tại Việt Nam, thay vì 15% vốn điều lệ của ngân hàng mẹ tại chính quốc.

Điều này được dự báo rằng sẽ gây ít nhiều khó khăn, đặc biệt cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài với số vốn điều lệ tại Việt Nam đa số ở mức 15 triệu USD kể từ năm 2011.

“Điều này có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và có lẽ NHNN nên cân nhắc lộ trình áp dụng”, ông Ashok Sud bình luận.

Qua nhiều lần góp ý trong quá trình xây dựng dự thảo Luật các tổ chức tín dụng, các ngân hàng nước ngoài đều tập trung vào điểm 128 này. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hồi đầu tháng 12/2009, phản hồi của NHNN có thể khiến nhiều ngân hàng nước ngoài phải thất vọng.

Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của NHNN cũng có thể thấy  sự hợp lý của quyết định này. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng với các ngân hàng trong nước kể từ năm 2011 (được huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ dân cư), do đó sẽ phải chịu sự giám sát, quản lý như các ngân hàng trong nước.

Thêm vào đó, trong hoàn cảnh thị trường tài chính thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, quản lý chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo vốn điều lệ của ngân hàng mẹ không phải là một cách “nắm đằng chuôi”. Quản lý theo vốn điều lệ đăng ký tại Việt Nam là một cách “an toàn” nhất, giống như việc quản lý các công ty bảo hiểm nước ngoài. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có một lựa chọn mở là tăng vốn tại Việt Nam.

Bình luận về điều này, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, thực ra các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều cách để cho vay, như cho vay hợp vốn hoặc thu xếp cho chi nhánh ngân hàng tại các quốc gia khác cho khách hàng Việt Nam vay vốn.

Tuy nhiên, dù có thể xoa tay hài lòng với các kết quả kinh doanh trong những năm qua, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn có lý do để mà lo ngại khi điều kiện cho vay vốn được siết chặt hơn.   

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục