Ngân hàng mừng lợi nhuận cao, lo biên lãi giảm

(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông năm 2022, lãnh đạo nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận quý đầu năm đạt mức “khủng”, nhưng bên cạnh niềm vui, có không ít cổ đông thể hiện nỗi băn khoăn, thậm chí còn đề nghị không cần vào Top 3, mà vào Top 5 cũng được. Thực tế, cổ đông có lý do để trăn trở.
Tín dụng đang phục hồi mạnh mẽ, quý I/2022 tăng 3%, đến ngày 25/4 tăng 6,8%.

Nguồn cơn lợi nhuận

Báo cáo tài chính của Eximbank cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I/2022 đạt hơn 809 tỷ đồng, gấp gần 4 lần quý I/2021. Như thường lệ, thu nhập lãi thuần đóng góp nhiều nhất vào nguồn thu của Ngân hàng, với hơn 1.244 tỷ đồng, gấp 1,5 lần cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 153,3 tỷ đồng, tăng 60,9%; hoạt động đầu tư chứng khoán lãi 126 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Bên cạnh sự tăng trưởng tại các mảng kinh doanh, việc giảm được hơn một nửa chi phí dự phòng cũng là nhân tố quan trọng giúp lợi nhuận quý đầu năm nay của Eximbank bứt tốc.

VPBank công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà Ngân hàng ghi nhận được từ trước đến nay. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%. Tính đến hết tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng của VPBank đạt 10,3%, gấp đôi mức trung bình ngành, với sự đóng góp chủ yếu từ các phân khúc chiến lược. Về thành viên FE Credit, hai quý cuối năm 2021 có tốc độ tăng trưởng tín dụng âm, nhưng đã tăng trở lại với mức tăng 1,6% trong quý I/2022.

Đi sâu hơn vào cơ cấu doanh thu, thu nhập lãi thuần hợp nhất của VPBank trong quý I/2022 đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ và tăng 16% so với quý IV/2021, riêng ngân hàng mẹ tăng lần lượt gần 30% và trên 16%. Trong khi đó, thu nhập phí dịch vụ hợp nhất tăng 26,5% so với cùng kỳ, tỷ lệ này ở ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng gần 30% và tại FE Credit là 4,8%. Các thu nhập khác tăng 9 lần so với cùng kỳ, bao gồm khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam. Thu nhập từ nợ đã xử lý của ngân hàng hợp nhất cũng đạt kết quả tích cực, với 714 tỷ đồng, tăng 21,3% so với quý liền trước.

Tại SHB, lợi nhuận quý I/2022 đạt hơn 3.227 tỷ đồng, tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 28% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 4.223 tỷ đồng, tăng 89,7% so với cùng kỳ. Về các khoản thu ngoài lãi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 24,3%, đạt 157 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động chứng khoán đầu tư đạt 66 tỷ đồng, tăng 27,1%; hoạt động kinh doanh khác lãi 209 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ…

Bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lộ diện với nhiều điểm tích cực, nhưng cũng có một số vấn đề đáng lưu ý.

Trong quý đầu năm nay, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.114 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng hơn 27% kế hoạch cả năm. Hai động lực giúp ACB tăng trưởng lợi nhuận là lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 400 tỷ đồng (tăng 10,8%) và hoàn nhập dự phòng 2,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phải trích lập gần 606 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của MB, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 đạt 5.909 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 8.385 tỷ đồng, tăng 41%, chủ yếu do thu nhập lãi cho vay và thu lãi từ đầu tư chứng khoán nợ tăng mạnh. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 4,8%, lên 1.117 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 98%, lên 467 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 63%, đạt 1.124 tỷ đồng.

Đối với VIB, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.300 tỷ đồng trong quý I/2022, tăng 26% so với cùng kỳ. Ngân hàng lý giải, lợi nhuận tăng trưởng đến từ việc tập trung vào danh mục tín dụng bán lẻ chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro tập trung với gần 90% danh mục là cho vay bán lẻ và 95% có tài sản đảm bảo.

Đừng thấy đỏ tưởng chín

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đạt 5% trong quý I/2022 và 6,8% tính đến ngày 25/4. Nếu so với con số tăng trưởng 3% của quý I/2021 thì tín dụng đã thực sự phục hồi mạnh mẽ, phản ánh được nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp.

Trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ: “Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động cho vay ở một vài ngân hàng tăng trưởng vượt trội trên 10% như MB, HDBank và tăng gấp nhiều lần cùng kỳ năm ngoái như VietinBank”.

Mặc dù tín dụng tăng nhanh song huy động vốn có vẻ như vẫn chưa bắt kịp. Điều này được lý giải bởi việc lãi suất huy động duy trì ở mặt bằng thấp trong năm 2021 và sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… đã thu hút phần lớn tiền gửi dân cư. Điều này sẽ gây áp lực cho một số ngân hàng không có lợi thế về vốn hoặc có tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đang ở mức tiệm cận với ngưỡng quy định.

Bên cạnh đó, biên lãi ròng (NIM) tiếp tục xu hướng giảm trong quý I/2022. Điều này đã được dự báo trước vì đà giảm NIM đã xuất hiện từ quý IV năm ngoái khi các ngân hàng mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong khi lãi suất huy động có xu hướng nhích dần lên.

Tăng trưởng thu nhập ngoài lãi vẫn ổn định, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập ngoài lãi dương, phần lớn là nhờ sự đóng góp của các hoạt động bancassurance, vốn bị hạn chế trong nửa đầu năm 2021 do giãn cách xã hội.

“Từ các yếu tố thuận lợi trên thì hầu hết các ngân hàng thương mại niêm yết đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương trong quý I/2022. Tuy nhiên, chất lượng tài sản có giảm sút so với thời điểm cuối năm 2021 là một vấn đề đáng lưu ý. Theo ước tính của chúng tôi, trung bình nợ xấu của các ngân hàng đang niêm yết tăng nhẹ so với cuối năm 2021; cũng như tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) có xu hướng giảm nhẹ”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, mặc dù xuất hiện những yếu tố mới như căng thẳng địa chính trị hay giá dầu và nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh cản trở đà phục hồi của một vài ngành nghề, song nhìn chung nền kinh tế đang khởi động cỗ máy tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ phục hồi, nhất là vào nửa cuối năm 2022.

Vẫn theo bà Hiền, khác với giai đoạn 2016 - 2017, khả năng chống chịu và chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đã được nâng cao đáng kể, thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nhiều ngân hàng đã quyết liệt trích lập dự phòng để đưa tỷ lệ bao nợ xấu lên mức trên 200%, thậm chí là hơn 400%. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2022 sẽ góp phần giảm nguy cơ tăng tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản tăng quá “nóng”, hình thành nên “bong bóng bất động sản” thì nguy cơ nợ xấu trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ xuất hiện.

Dẫu vậy, bà Hiền vẫn đưa ra dự báo lạc quan: “Nếu không xuất hiện thêm các yếu tố không thể dự báo trước như dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị leo thang… ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, thì diễn biến nợ xấu trong năm nay sẽ không quá căng thẳng. Ngân hàng vẫn là một nhóm ngành triển vọng trong thời gian tới với các ngân hàng có các đặc điểm như đẩy mạnh tín dụng, hay nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.

“Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, tôi ưu tiên các ngân hàng có khả năng thúc đẩy vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn. Đồng thời, do lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tiếp theo, tôi cho rằng các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý”, bà Hiền nhấn mạnh.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục