Khảo sát một vòng các doanh nghiệp niêm yết trong 2 ngày đầu tuần này, hai ngày đầu tiên thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm lãi suất cho vay trung hạn về 15%/năm, ĐTCK nhận được sự phản ánh của các doanh nghiệp: các ngân hàng khá miễn cưỡng trong việc giảm lãi suất.
Giám đốc tài chính một doanh nghiệp lớn cho biết, các ngân hàng lớn chỉ giảm lãi suất về 15%/năm với các khoản cho vay trung hạn mới giải ngân. Còn dư nợ cũ phải đợi đến kỳ điều chỉnh lãi suất mới thì mới giảm về 15%/năm. Như vậy, các khoản vay trung hạn cũ phải đợi đến kỳ điều chỉnh lãi suất mới áp dụng, chứ không phải tự động được áp dụng lãi suất 15%/năm từ sau ngày 15/7 như yêu cầu của NHNN và kỳ vọng của doanh nghiệp.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất nhận được thông tin cụ thể về việc giảm lãi suất thì các doanh nghiệp bất động sản hầu như chưa nhận được thông báo nào của ngân hàng về việc giảm lãi suất xuống 15%/năm.
Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 (SC5) cho biết, SC5 còn khoản vay trung hạn cho đầu tư bất động sản là 100 tỷ đồng vẫn đang chịu lãi suất 17%/năm. Trong khi đó, lãi vay ngắn hạn đã giảm về 14,5%.
“Tới đây, Công ty sẽ thu xếp dùng lợi nhuận từ hoạt động xây lắp để trả trước khoản vay trung hạn nhằm giảm chi phí”, ông Mỹ cho biết. Năm nay, ước tính chi phí lãi vay của SC5 vào khoảng 30 đến 40 tỷ đồng.
Một đại gia bất động sản khác đã có công văn hỏi ngân hàng cổ phần đang vay vốn về việc giảm lãi suất xuống 15%/năm, nhưng câu trả lời là… chưa có văn bản hướng dẫn.
Ngày hôm qua (17/7), khách hàng của Ngân hàng Việt Á cho biết, lãi suất cho vay doanh nghiệp bất động sản của ngân hàng này vẫn là 17%/năm. Một công ty bất động sản khác niêm yết ở sàn Hà Nội cho biết, doanh nghiệp mới đang đàm phán giảm lãi suất vay trung hạn về 15%/năm cho các khoản vay cũ. Tuy nhiên, nếu vay mới thì lãi suất sẽ là 14,5%/năm.
Hầu hết doanh nghiệp đều phản ánh, mặc dù chủ trương giảm lãi suất được Thống đốc NHNN tuyên bố công khai, nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên các ngân hàng thường vin vào lý do đó để nói doanh nghiệp phải chờ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với lãi suất huy động 12%/năm cho các khoản gửi tiết kiệm trên 12 tháng được áp dụng phổ biến ở các ngân hàng hiện nay thì lãi suất cho vay trung hạn 15%/năm là hợp lý. Sớm hay muộn, các ngân hàng cũng sẽ phải điều chỉnh lãi suất cho vay trung hạn xuống 15%/năm cho phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động.
Thực tế, nếu không giảm lãi suất cho các khoản vay cũ ngay từ 15/7, mà đợi đến kỳ hạn mới điều chỉnh lãi suất, tức kéo dài thời gian nhận lãi cao thêm một vài tháng nữa, thì có nghĩa là ngân hàng không phải hy sinh một phần lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì sau vài tháng nữa, khi chi phí huy động giảm xuống, mức lãi suất 15%/năm cho vay ra là đương nhiên, nếu ngân hàng duy trì biên chênh lệch lãi suất cho vay – huy động như hiện nay. Chỉ ở thời điểm này, còn một số khoản huy động lãi suất cao chưa hết kỳ hạn, thì việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống 15%/năm ngay cho các khoản vay cũ, mới thực sự có ý nghĩa là ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chấp nhận bớt lợi nhuận để doanh nghiệp giảm chi phí vốn.
Việc giảm lãi suất các khoản vay cũ thực sự có ý nghĩa đối với phần lớn doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay, bởi các doanh nghiệp này hầu như chưa có nhu cầu vay mới.
Theo kỳ vọng của một số chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay trung hạn về 15%/năm sẽ tạo tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp khi một số doanh nghiệp đang lỗ sẽ có lãi nhờ giảm chi phí lãi vay. Nhưng điều này sẽ diễn ra rõ ràng hơn sau 2 - 3 tháng tới, chứ không phải là tháng này hay tháng sau như kỳ vọng ban đầu, khi Thống đốc tuyên bố thời hạn 15/7.