Takashi Oyamada, tân Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ Ltd (BTMU), một công ty con của MUFG, trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết, thị trường ngân hàng Mỹ vẫn là trọng tâm đối với BTMU bởi giá trị tiềm năng cũng như sự tăng trưởng ổn định, trong khi châu Á là “những cơ hội vàng” nhờ tầng lớp trung lưu ở khu vực này đang mở rộng.
“Chúng tôi đang xem xét mọi cơ hội nhằm tăng trưởng chi nhánh tại Mỹ và có thể tiếp tục mua lại 1 ngân hàng khá lớn nữa tại quốc gia này”, Oyamada phát biểu. Trước đó, vào năm 2008, BTMU đã trở thành chủ sở hữu của Union Bank, ngân hàng có trụ sở tại California, với tổng tài sản 115,4 tỷ USD vào cuối năm 2015.
MUFG là hệ thống ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản, hiện đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng đầu tư ra nước ngoài, khi mà thị trường lãi suất trong nước đang ở mức thấp, khiến lợi nhuận của tập đoàn này bị thu hẹp. Trong năm vừa qua, cổ phiếu ngành ngân hàng tại Nhật Bản cũng đã sụt giảm nghiêm trọng.
“Với những gì ngành ngân hàng Nhật Bản đang phải đối mặt, MUFG phải thay đổi chiến lược kinh doanh để tăng trưởng lợi nhuận”, Nana Otsuki, Giám đốc phân tích tại Monex Group Inc, một công ty chứng khoán trực tuyến có trụ sở tại Tokyo cho hay.
Theo Takashi Oyamada, BTMU có 1 danh sách dài các ngân hàng tiềm năng tại Mỹ, song hiện chưa có bất kỳ cuộc đàm phán cụ thể nào tại thời điểm này. Ông nhắc lại, mục tiêu của MUFG là tăng thứ bậc từ vị trí thứ 13 (theo dữ liệu chức năng của ngân hàng này được công bố vào cuối năm 2014) để trở thành 1 trong 10 ngân hàng cho vay hàng đầu tại thị trường Mỹ.
Theo đó, để lọt vào Top 10, MUFG sẽ phải tăng tài khoản tiền gửi từ 67,3 tỷ USD lên đến 182,3 tỷ USD. Theo số liệu của Bloomberg, hiện MUFG là hệ thống ngân hàng lớn thứ 5 trên thế giới tính theo tổng tài sản quản lý.
Cũng giống như đa số các ngân hàng khác của Nhật, Tập đoàn MUFG hiện đang trong tình trạng tăng trưởng kém do chính sách tỷ giá tiêu cực được đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang “dậm chân tại chỗ”. Kế hoạch chuyển sang tính phí cho một số ngân hàng Nhật của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khiến các ngân hàng càng thêm áp lực.
Chủ tịch mới của BTMU cho hay, mặc dù không có bất kỳ ảnh hưởng lớn nào từ sự tiêu cực trong các kết quả của năm vừa qua, nhưng kết quả kinh doanh trong 12 tháng tới sẽ chịu tác động đáng kể.
“Những tác động từ các chính sách của BOJ trong lĩnh vực tài chính sẽ là một thách thức lớn. Tuy nhiên, chúng tôi không tính tới bất kỳ khoản phí cụ thể nào cho khách hàng doanh nghiệp nhằm bù đắp cho sự tiêu cực trong thời gian tới”, Oyamada nói.
Cũng theo Oyamada, BTMU sẽ không loại trừ bất kỳ vị trí địa lý trong việc mua lại ngân hàng tiềm năng tại Mỹ. Đồng thời ông nhấn mạnh, việc mua lại một ngân hàng bên bờ Tây của Hoa Kỳ có thể mang lại lợi ích, sức mạnh tổng hợp của “liên minh ngân hàng”, trong khi mua ngân hàng ở những nơi khác cũng sẽ cải thiện việc mở rộng thị trường của BTMU.
Ở châu Á, BTMU đã mua phần lớn cổ phần của Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan vào năm 2013 và đồng ý mua 20% cổ phần của Ngân hàng An ninh tại Philippines vào tháng 1/2016 vừa qua. Trong cuộc phỏng vấn tại Singapore vào năm ngoái, Watanabe, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Châu Đại Dương của BTMU cho biết, hiện Công ty đang xem xét mua lại một số ngân hàng ở Indonesia và Ấn Độ.
Takashi Oyamada bắt đầu tham gia vào hệ thống của MUFG từ tháng 4/1979. Trong thời gian này, ông đã xây dựng được một mạng lưới mạnh mẽ, tương tác giữa các quan chức chính phủ và các nhà quản lý tài chính.
Đến tháng 6/2005, Oyamada là thành viên Ban Giám đốc của BTMU. Vào tháng 6/2009, Oymada được bổ nhiệm làm CEO của BTMU. Sau đó, ông tiếp tục nắm giữ các cương vị quan trọng khác như Giám đốc Ban Kế hoạch tài chính tại MUFG, Giám đốc của Tokyo Financial Exchange Inc.
Oyamada cũng từng giữ chức vụ Phó chủ tịch BTMU từ năm 2014 và Phó chủ tịch MUFG từ tháng 5/2015, trước khi được bầu làm Chủ tịch kiêm CEO của BTMU, đơn vị ngân hàng cốt lõi của MUFG vào ngày 1/4 vừa qua, khi ông bước sang tuổi 60.