Tại ĐHCĐ DongA Bank vừa diễn ra, với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.400 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của NH này xây dựng cho năm nay, cổ đông mang mã số 1875 cho rằng, trong những năm trước cũng như năm nay, việc tăng vốn điều lệ của những NH có vốn dưới 3.000 tỷ đồng là để đáp ứng theo quy định của NHNN. Đồng thời, việc thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ ở những năm trước của DongA Bank là phát hành từ nguồn thặng dư, cổ đông không phải mất tiền mua. Còn với kế hoạch tăng vốn điều lệ DongA Bank đưa ra năm nay, dù giá bán khá ưu đãi bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, nhưng cũng phải mất tiền mua. Mặt khác, theo cổ đông trên, việc tăng vốn của Ngân hàng như thế là quá nhanh khiến cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường sẽ bị pha loãng. Thêm vào đó, vốn tăng nhanh đòi hỏi phải có kế hoạch sử dụng đồng vốn tăng thêm một cách có hiệu quả.
Trả lời câu hỏi trên của cổ đông trên, DongA Bank cho rằng, để phấn đấu trở thành một tập đoàn tài chính lớn mạnh ở Việt Nam đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính vững mạnh. Vì thế, DongA Bank sẽ phấn đấu để đạt được mục tiêu về quy mô vốn điều lệ ở mức 1 tỷ USD trong thời gian tới. Đây cũng là lý do để DongA Bank từng bước tăng vốn điều lệ và cụ thể là tăng lên 6.000 tỷ đồng trong năm 2010.
Cũng theo DongA Bank, sở dĩ Ngân hàng phải tăng vốn điều lệ gần gấp đôi trong năm nay là vì so với một số đơn vị bạn đã niêm yết như: ACB, Sacombank, Eximbank… thì vốn điều lệ DongA Bank tăng lên mức trên chưa hẳn cao.
Mặc dù vốn điều lệ đã đạt gần 8.000 tỷ đồng, nhưng ACB cho biết kế hoạch trình cổ đông trong kỳ ĐHCĐ diễn ra ngày 10/4 tới, Ngân hàng sẽ tăng vốn lên 9.377 tỷ đồng năm 2010. Theo lý giải của ACB, mức vốn điều lệ 7.814 tỷ đồng hiện tại còn khiêm tốn nếu so với các NHTM nhà nước. Đồng thời, ACB cho rằng, mức vốn này sẽ trở nên nhỏ đi tương đối nếu so với một số NHTM cổ phần đang ráo riết tăng cường năng lực tài chính. Trong khi đó, ngày càng có nhiều NH con 100% vốn nước ngoài đang gia nhập thị trường.
Mặt khác, theo ACB, trong xu hướng các NH trung ương tăng cường giám sát NH sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008, chắc chắn tại Việt Nam, việc tính toán lại trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và xác định các chỉ số an toàn tài chính sẽ ngày càng được quy định chặt chẽ hơn. Khi đó, vốn điều lệ và vốn tự có sẽ là các thành tố đảm bảo tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, theo đánh giá mới nhất (tháng 3/2010) của Fitch Raiting, một trong các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế trên thế giới thì sức mạnh về vốn của ACB chưa theo kịp với đà tăng trưởng của chính mình khi tỷ số vốn chủ sở hữu trên tổng dư nợ và vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản đều giảm sút lần lượt 5,8% và 1,5% so với cuối năm 2008.
Vì thế, NH này cho rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khi tăng trưởng tài sản có và cải thiện định mức tín nhiệm.
Năm nay, Vietinbank cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng từ vốn hiện tại 11.252 tỷ đồng, tùy thuộc vào khả năng thực tế bằng cách nâng cổ phần của cổ đông hiện hữu và bán cho 2 đối tác nước ngoài. Hiện Vietinbank đang đàm phán và dự kiến sẽ hoàn thành việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài trong quý III/2010 sau khi hoàn thành việc tăng cổ phần cho cổ đông hiện hữu ở quý II.
Thực hiện Quyết định số 268/QĐ-TTg, ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho các NH có vốn Nhà nước”, ngày 5/3/2010, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 482/QĐ-BTC về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, với số tiền trên 10.200 tỷ đồng. Với số vốn được cấp thêm này, vốn điều lệ Agribank đạt hơn 31.000 tỷ đồng so với mức hiện nay là 21.000 tỷ đồng.
Theo Agribank, nguồn vốn điều lệ được bổ sung thêm lần này sẽ giúp NH nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hệ số an toàn vốn và đặc biệt chủ động về nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế trong thời gian tới. Từ đó, Agribank sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tài chính và đạt hệ số an toàn vốn 8,5% vào cuối năm 2010 theo quy định.
Tuy nhiên, tốc độ vốn điều lệ tăng nhanh sẽ tỷ lệ thuận với áp lực cổ tức lên ban điều hành và HĐQT. Vì thế, các NH không thể không tính kỹ bài toán tăng vốn.