Dự kiến, đến hết năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu, qua đó, góp phần hỗ trợ khơi thông dòng vốn tín dụng. Đồng thời, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 là 101.700 tỷ đồng (trong đó, năm 2012 là 69.200 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 là 32.500 tỷ đồng).
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, đã có hơn 20 tổ chức tín dụng (TCTD) gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị nợ xấu trên 40.000 tỷ đồng.
Tính đến nay, Vietcombank đã bán khoảng 1.000 tỷ đồng; MHB, Techcombank, SHB đã chuyển khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu và BIDV cũng vừa bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Còn đối với Agribank, ngoài phần nợ xấu đã chuyển, ngân hàng này dự kiến sẽ bán tổng cộng khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu đến cuối năm 2013…
“Có khá nhiều TCTD đã, đang và dự kiến nộp hồ sơ bán nợ lên VAMC, trong đó bao gồm cả những ngân hàng mạnh. Liệu có phải các ngân hàng đang “chạy đua” với Thông tư 02?”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP đặt vấn đề.
Khi Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa được ban hành, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ để Thông tư được thực hiện đúng ngày 1/6/2013, có lẽ các ngân hàng không chịu được “nhiệt”.
Đồng thời, sẽ “đặt dấu chấm hết” cho Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ nếu đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Khi thực hiện Thông tư 02, nhiều khoản nợ trước đây được gia hạn, cơ cấu lại theo Quyết định 780 sẽ bị đẩy vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn. Điều đó sẽ làm nợ xấu tại nhiều ngân hàng gia tăng”.
“Chính NHNN cũng nhìn nhận, so với các quy định hiện hành, các quy định tại Thông tư 02 chặt chẽ hơn nhiều. Do đó, nếu thực hiện Thông tư 02 thì nợ xấu, số tiền trích lập dự phòng của hệ thống TCTD sẽ tăng, ảnh hưởng đến nguồn vốn, chi phí vốn của các đơn vị này.
Do đó, Thông tư 02 đã được NHNN lùi thời điểm có hiệu lực 1 năm”, một chuyên gia kinh tế phân tích, nhưng cũng nói thêm, thời điểm Thông tư 02 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/6/2014 không còn xa, nếu không rốt ráo, ngăn ngừa, xử lý từ bây giờ, nợ xấu của nhiều TCTD sẽ gia tăng mạnh và có thể rơi vào diện “kiểm soát đặc biệt” của NHNN.
Thực tế cho thấy, giải pháp đầu tiên mà các TCTD hướng đến là ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Theo đó, điều kiện để DN vay được vốn ngân hàng được siết chặt hơn, cho dù các TCTD cũng biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, khả năng hấp thụ vốn của các DN rất thấp.
Đó cũng là một trong các nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng ì ạch cho dù NHNN đã nhiều lần hối thúc. Giải pháp thứ hai là, các ngân hàng áp dụng các biện pháp giảm dần nợ xấu.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các TCTD vẫn tiếp tục trích lập dự phòng đầy đủ, nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu. Số dư dự phòng rủi ro tín dụng đến cuối tháng 9/2013 là 77.400 tỷ đồng (tăng 21,6% so với cuối năm 2012). Giải pháp thứ ba là nỗ lực thu hồi nợ hoặc xử lý nợ, bán bớt nợ xấu cho VAMC.
“Việc VAMC ra đời và các ngân hàng bán nợ cho định chế này là một trong những biện pháp để họ chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư 02 vào ngày 1/6/2014.
Nếu các TCTD không xử lý nợ một cách tích cực; chủ động dự phòng, bán nợ cho VAMC thì đến ngày 1/6/2014, với gánh nợ lớn sẽ khiến họ khó có thể hoạt động bình thường. Do đó, bán nợ xấu cho VAMC là hình thức cơ cấu lại nợ, giúp các TCTD chuẩn bị hướng tới một chuẩn mực mới”, một lãnh đạo cao cấp NHNN nhấn mạnh.
>>Lùi thời điểm thi hành Thông tư 02, đôi điều suy nghĩ