Ngân hàng lo xa mà gần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2024 mới hết hiệu lực, nhưng các ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian thực hiện.
Do thiếu nguồn lực nên việc xử lý nợ xấu của Việt Nam không thể làm nhanh Do thiếu nguồn lực nên việc xử lý nợ xấu của Việt Nam không thể làm nhanh

Nguy cơ cũ và mới

Kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng đưa ra tại Hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức tuần qua.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện tại, chúng ta không thể hy vọng thị trường bất động sản có thể phục hồi sớm, vì vậy đề xuất của ngân hàng thương mại là hợp lý. Nếu không gia hạn Thông tư 02, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính.

“Đây là điều hợp lý, bởi truyền thống xử lý nợ xấu của Việt Nam là không làm ngay một lúc như nhiều quốc gia khác, mà làm từ từ. Nếu xử lý ngay một lúc thì phải có nguồn tài chính bổ sung, nhưng do không có nguồn tài chính bổ sung nên các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự thu xếp với nhau dần dần về khoản nợ. Đó cũng chính là lý do ở Việt Nam có khái niệm lãi dự thu”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, không nên kéo dài quá lâu Thông tư 02, mà nên gia hạn tối đa 1 năm, đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.

Đáng lưu ý, việc gia hạn Thông tư 02 còn nhằm chuẩn bị cho nguy cơ nợ xấu xảy ra từ năm 2026, đó là EU yêu cầu tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu vào châu Âu phải báo cáo phát thải khí nhà kính.

Chỉ là báo cáo phát thải khí nhà kính, nhưng dự báo rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thực hiện được. Ví dụ, doanh nghiệp dệt may nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không có báo cáo phát thải nhà kính. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực điện, sắt thép…

“Không đủ cơ sở để tạo ra một báo cáo phát thải khí nhà kính như châu Âu mong muốn, hay như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đã thông báo về Sổ tay phát thải khí nhà kính, lúc bấy giờ sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đột ngột mất đơn hàng. Theo đó, các khoản vay ngắn hạn, cả trung và dài hạn nhanh chóng sẽ trở thành nợ xấu, mà cũng không tìm được thị trường nào khác để xử lý nợ xấu”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Vị chuyên gia kinh tế cảnh báo, hệ thống ngân hàng còn phải đối mặt với “cơn bão” mới đến nơi rồi mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa nhận ra. Nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại.

Nợ xấu mới chỉ là “một nửa sự thật”

Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với chất lượng nợ chuyển biến xấu. Quý III/2023, các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ và tổng nợ xấu cuối quý III tăng 61% so với cuối quý II, lên 196.755 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến cuối quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1,21%, từ mức 0,83% cuối quý II. Cùng thời điểm, nợ xấu của MBB là 1,89%, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Kể từ quý II/2022, tỷ lệ nợ xấu của HDBank bắt đầu tăng và đến quý III/2023 đạt 2,3% (tăng thêm 0,1% so với cuối quý II).

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của ACB liên tục tăng kể từ quý IV/2022, đến cuối quý III/2023 ghi nhận mức 1,2%.

Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank trong 3 quý gần nhất lần lượt là 0,8%, 1,1% và 1,4%.

Tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng từ 3,88% cuối quý II lên 3,96% cuối quý III/2023, do chất lượng tài sản suy giảm.

Chất lượng nợ của TPBank đi xuống trong quý III/2023 khi nợ xấu tăng từ 1.357 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3% tổng cho vay khách hàng.

MSB cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% tính đến cuối quý III/2023, với 4.149 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi so với mức 2.057 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Chuyên gia phân tích của FiinGroup lưu ý: “Nợ xấu tăng nhưng chi phí trích lập dự phòng của toàn ngành không tăng tương ứng, do đó đã giúp lợi nhuận của các ngân hàng không giảm sâu. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) tiếp tục ở mức thấp so với mức trung bình trước dịch Covid-19 (35% so với 42,2%), cho thấy các ngân hàng vẫn đang nỗ lực kiểm soát chi phí hoạt động khi thu nhập bị ảnh hưởng”.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Con số nợ xấu tại các báo cáo tài chính cho thấy đang tăng lên, nhưng con số báo cáo cũng mới chỉ được “một nửa sự thật”, vì chưa hạch toán cả giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, mà nếu cộng cả vào sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi”.

Dẫu vậy, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, vẫn còn quá sớm để đề cập đến việc có nên hay không kéo dài hiệu lực của Thông tư 02.

“Thời điểm phù hợp là hết quý I/2024, sau khi các bên liên quan có những đánh giá cụ thể về hiệu quả của Thông tư 02, sau đó mới đề xuất kéo dài hay dừng lại”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo hướng chỉ đạo tại Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản bằng Thông tư 02, quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản - xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng; đồng thời điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay nói trên. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản là vấn đề đáng quan ngại đối với ngành ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét: “Nhờ Thông tư 02, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. Không thể phủ nhận, Thông tư 02 là “làn gió” đã giải tỏa phần nào “cơn khát” của ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục