Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. Cụ thể, số lượng cổ phiếu LPB đăng ký niêm yết tại HOSE là 976.948.319 cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 9.769.483.190.000 đồng.
Việc chuyển sàn giao dịch từ thị trường UPCoM sang HOSE là một trong những định hướng lớn được thông qua tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của LPB tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.
Song song với dự định niêm yết, năm nay, LPB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.746 tỷ đồng (từ mức 9.769 tỷ đồng hiện nay) và nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng từ 5% lên mức tối đa 9,99%.
ACB, SHB cũng dự kiến chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HOSE để nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu và cũng vì lý do chuẩn bị cho việc sáp nhập 2 sở HOSE - HNX.
Chủ tịch HÐQT VIB, ông Ðặng Khắc Vỹ cho hay, VIB dự kiến chuyển sang niêm yết trên HOSE vào tháng 11/2020 từ UPCoM. Ðồng thời, Ngân hàng trình phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, từ 9.245 tỷ đồng đồng lên 11.094 tỷ đồng.
“Sau khi được Ðại hội đồng cổ đông thông qua trong cuộc họp ngày 30/6, VIB đang tiến hành song song việc phát hành cổ phiếu thưởng và chuẩn bị các thủ tục để khoảng tháng 11 năm nay sẽ niêm yết”, ông Vỹ cho biết.
Ðại hội đồng cổ đông Nam A Bank ngày 27/6 đã trình thông qua cổ đông mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trước thuế, chia cổ tức 14,65% và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE chậm nhất là tháng 12/2020.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, việc niêm yết nhằm nâng cao tính thanh khoản, đảm bảo lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn năm 2020 đã đề ra trước đó.
Cũng theo ông Tâm, trong năm 2020, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ .890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất trong quý III/2020. Sau đó, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức 14,65% bằng cổ phiếu (số lượng phát hành 57 triệu cổ phần, tương đương 570 tỷ đồng), đồng thời phát hành riêng lẻ cho cổ đông 143 triệu cổ phần (tương đương 1.430 tỷ đồng).
Trước thắc mắc của cổ đông vì sao kéo dài việc niêm yết, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HÐQT OCB cho biết, Ngân hàng sẽ sớm triển khai kế hoạch sau khi hoàn tất bán 15% vốn cho
Aozora Bank tăng vốn lên hơn 11.275 tỷ đồng năm nay.
Chủ trương của HÐQT OCB là muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là cơ hội vàng để niêm yết, nhưng thời điểm đó đối tác chiến lược nước ngoài của OCB là BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào Ngân hàng.
Sau khi BNP Paribas thoái vốn, ngày 29/6, OCB đã phát hành thành công cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản). Ðây được xem là điều kiện đủ để OCB niêm yết, nhưng vấn đề quan trọng hơn được HÐQT OCB xem xét đó chính là diễn biến và điều kiện thị trường có thuận lợi để triển khai kế hoạch lên sàn HOSE, bỏ qua UPCoM.
Trong Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 có việc bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn.
Vì thế, nếu không niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức, các nhà băng phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM. Chẳng hạn, Saigonbank cho biết đang chuẩn bị thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.
Trong ngày 9/7 vừa qua, Viet Capital Bank cũng chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Trước đó, VietBank, BAC A BANK, Kienlongbank đã giao dịch cổ phiếu trên sàn này.
Tuy nhiên, một số nhà băng như ABBank, SeABank... cho biết, trước diễn biến thị trường khó khăn năm nay, họ không trình cổ đông kế hoạch niêm yết.
Thậm chí, MSB còn thông qua cổ đông trong kỳ họp ngày 22/5/2020 về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, dù thủ tục lên sàn đã hoàn tất.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, thực tế các nhà băng rất muốn niêm yết, song nếu thị trường không thuận lợi sẽ rất khó triển khai.
Bản thân những bất ổn của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay vì Covid-19 và nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại mấy ngày gần đây khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng e ngại.
Một nhà phân tích tài chính nhận định, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ còn vỏn vẹn hơn 1 quý thì các nhà băng khó kịp hoàn tất các thủ tục để lên sàn, đó là chưa tính đến yếu tố thị trường vẫn đang chịu nguy cơ dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, cả VIB, OCB và LPB đã có kế hoạch chuyển sàn, niêm yết từ các năm trước, song do thị trường không thuận lợi nên chưa thể triển khai. Chủ tịch HÐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, đã lên kế hoạch thì ngân hàng đều muốn niêm yết càng sớm càng tốt, nhưng nếu thị trường không thuận lợi, lên sàn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông thì còn “lợi bất cập hại” hơn.