Ngân hàng lại ngóng nới room tín dụng

Đến nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm được Ngân hàng Nhà nước giao. Các ngân hàng này đang xin nới room để có thêm dư địa cho vay.
Nhiều ngân hàng đang xin nới room để có thêm dư địa cho vay Nhiều ngân hàng đang xin nới room để có thêm dư địa cho vay

Cạn room

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng VIB đã dùng gần hết room tăng trưởng tín dụng được giao cho cả năm ở mức 16%, với dư nợ tín dụng đạt 75.686 tỷ đồng, tăng 15,7%. Tăng trưởng tín dụng của VIB phần lớn đến từ cho vay khách hàng cá nhân với mức tăng hơn 30% so với cuối 2016. Như vậy, với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm (16%), VIB đã dùng gần hết (15,7%).

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, Ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước để xin nới room tăng trưởng tín dụng, với kỳ vọng có thêm dư địa để cho vay trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm.

Tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước, nhưng được cho là không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất.   

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng VPBank đã tăng 12%, từ mức 144.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016 lên 162.000 tỷ đồng cuối tháng 6/2017. Như vậy, so với room tín dụng được giao ở mức 16% thì 6 tháng còn lại của năm 2017, VPBank chỉ còn dư địa 4% để tăng trưởng. Trong khi đó, đây là khoảng thời gian nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao do vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm cũng như chi tiêu của người dân tăng mạnh, tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng thị phần tín dụng, thu lợi nhuận lớn.

VPBank đã đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3.260 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay nhờ tín dụng tăng. Mức lợi nhuận này vượt 10% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm và tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cũng cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã sử dụng hơn nửa room tín dụng và đang chờ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho nới thêm so với chỉ tiêu giao ban đầu là 16% cho cả năm 2017.

Theo ông Toàn, ACB đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung tín dụng cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên cần được nới room.

Có nới room?

Trước tình hình tín dụng tăng trưởng mạnh trong 2 quý đầu năm nay, với mức tăng hơn 9%, có ý kiến lo ngại về nguy cơ tín dụng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nóng. Lý do là, thông thường mọi năm, các ngân hàng tập trung tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm. Với tốc độ như hiện nay, tín dụng có thể tăng vượt mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước đề ra là 18 - 20%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số ngân hàng, đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng ở mức 15 - 16%, thay vì 18% như mọi năm. Sự khác biệt này là do Ngân hàng Nhà nước muốn chủ động kiểm soát tình hình tín dụng ngay từ đầu năm để đảm bảo kiểm soát cung tiền, giữ ổn định lạm phát như mục tiêu Chính phủ đề ra. Từ nay đến cuối năm, nếu tình hình kinh tếvĩ mô tốt hơn, lạm phạt ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng cho các ngân hàng.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, mong muốn của Ngân hàng Nhà nước có thể là không sử dụng hết room tín dụng 18% như mục tiêu đề ra cho năm nay, mà kỳ vọng làm thế nào để đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Nếu để ý, có thể thấy, hạn mức tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng nhận được từ Ngân hàng Nhà nước đầu năm nay đều thấp hơn mức 18% (chỉ tối đa 16%).

Chia sẻ vấn đề này, TS. Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) nhận định, mức tăng trưởng tín dụng hiện tại là phù hợp với chỉ tiêu định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Tín, những tháng còn lại của năm 2017, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có điều chỉnh linh hoạt, nhằm thực hiện mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong năm nay.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục