Kết thúc quý III/2021, hoạt động kinh doanh của MSB ghi nhận sự tăng trưởng ổn định ngay trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Cụ thể, tổng thu nhập thuần hợp nhất của Ngân hàng lũy kế 9 tháng đạt hơn 7.669 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng của MSB với kết quả đạt hơn 4.523 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước với biên lãi thuần (NIM) đạt 3, 86% nhờ lãi suất đầu vào vẫn ở mức thấp.
Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB lũy kế hết quý III/2021 đạt 2.448 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, trong đó đóng góp chính là nguồn thu từ hoạt động bancassurance.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2021 của Techcombank cũng ghi nhận khoản thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 4.280 tỷ đồng sau khi trừ đi các chi phí hoạt động, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 31%.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, tình hình kinh doanh bảo hiểm trong quý III/2021 cũng như 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng tích cực, dù có ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Vì Techcombank tư vấn bảo hiểm qua hệ thống online và cung cấp đầy đủ các thông tin qua hình thức trực tuyến trước khi mua bảo hiểm nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình giãn cách xã hội thời gian qua.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để tăng cường hoạt động, chứ không nhất thiết là tất cả các chi nhánh phải mở cửa hoàn toàn.
MB cũng ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 8.490 tỷ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng do chi phí hoạt động dịch vụ cũng tăng tương ứng nên lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ còn đạt 3.021 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB trong 9 tháng đạt tới hơn 5.656 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, tăng tới 43,6% so với mức 3.937 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tại SeABank, báo cáo tài chính quý III/2021 cũng cho thấy, ngân hàng này thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm trong 9 tháng năm 2021 đạt trên 186 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 106 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Qua đó, giúp thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SeABank đạt hơn 812 tỷ đồng sau khi trừ đi các chi phí cho hoạt động dịch vụ.
Trong quý III/2021, lãi từ hoạt động dịch vụ của ACB cũng tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 636 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng cũng tăng trưởng 67%, đạt gần 2.147 tỷ đồng
VNDirect dự báo, lợi nhuận ACB tăng trưởng bền vững đạt mức 16% giai đoạn 2021 - 2023.
Riêng đối với năm 2021, VNDirect kỳ vọng thu nhập lãi ròng (NII) của ACB sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ tăng trưởng tín dụng 12% và NIM tăng 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Ngoài ra, VNDirect dự báo, thu nhập từ phí dịch vụ (NFI) của ACB sẽ tăng 54,2% so với mức giảm 10,6% vào năm 2020 nhờ vào hợp đồng bancassurance với Sun Life Việt Nam (với ước tính phí trả trước 370 triệu USD sẽ được phân bổ đều trong 15 năm).
Tỷ lệ phí trên thu nhập (CIR) trong giai đoạn 2021 - 2023 của ACB sẽ cải thiện quanh mức 47% nhờ việc kiểm soát chi phí tốt hơn.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Vietinbank tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan, riêng quý III đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo mới nhất của BVSC, nhiều khả năng thương vụ Manulife mua lại Aviva sẽ được phê duyệt trong năm 2022 và VietinBank sẽ ghi nhận khoảng 1.400 tỷ đồng từ phí trả trước vào lợi nhuận.
BVSC cho rằng, khả năng thương vụ này không kịp phê duyệt trong năm 2021, nhưng sẽ sớm được phê duyệt và ngân hàng sẽ bắt đầu ghi nhận phí bancassurance trong năm 2022.
Nếu VietinBank phân bổ ghi nhận phí trả trước trong 4 năm thì mức phí trả trước có thể ghi nhận trong năm 2022 khoảng gần 1.400 tỷ đồng.