Ngân hàng lãi lớn nhờ dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa dạng hóa nguồn thu nhập, tận dụng xu hướng số hóa và thanh toán không tiền mặt, mảng thanh toán trở thành một trong những động lực mới của ngành ngân hàng.
Trong hoạt động thanh toán, mảng thẻ còn nhiều dư địa khai thác. Ảnh: Shutter Stock Trong hoạt động thanh toán, mảng thẻ còn nhiều dư địa khai thác. Ảnh: Shutter Stock

Từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh

Ngày cuối cùng của năm 2020, anh T.P.Bình ở Trung Hòa, Cầu Giấy khá băn khoăn khi sổ tiết kiệm tại Ngân hàng T đến hạn. Vấn đề là nối tiếp kỳ hạn 6 tháng, lãi suất gửi tiết kiệm đã tụt hẳn xuống còn 5,8%/năm so với trước đó là 7%/năm.

Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, nhân viên Ngân hàng T đã nhanh chóng mời anh Bình mua trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng này phát hành. Chỉ có 3 tháng thôi và lãi suất lên tới 7%/năm, so với lãi tiết kiệm thì đây là mức lãi suất hấp dnên anh Bình đề nghị nhân viên cung cấp thêm thông tin và được tư vấn.

Câu chuyện trên chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tín dụng khó khăn, để thu được lợi nhuận như kế hoạch đã đề ra, các ngân hàng đều hướng tới thu phí từ nhiều dịch vụ và hoạt động khác.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV thừa nhận: “Năm 2020, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì hoạt động tín dụng sẽ tốt hơn rất nhiều. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh từ lệ thuộc vào hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, tỷ trọng thu dịch vụ/tổng thu nhập ngày càng tăng”.

Để theo đuổi xu hướng đa dạng hóa nguồn thu nhập, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường tín dụng, tận dụng xu hướng số hóa và thanh toán không tiền mặt, mảng thanh toán trở thành một trong những động lực mới của ngành ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng của thu nhập dịch vụ thuần bình quân đạt 26,6%/năm giai đoạn 2017-2019 so với mức bình quân 18,9%/năm của thu nhập lãi thuần 22 ngân hàng niêm yết.

Đối với BIDV, ông Tú cho biết, Ngân hàng đã xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh đa dịch vụ, mô hình kinh doanh ít vốn; cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm, tiện ích có hàm lượng công nghệ cao trong tổng thể hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính; tổng thu dịch vụ của BIDV năm 2020 là 6.750 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với con số 3.769 tỷ đồng năm 2016.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thì cho hay, mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể do Ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới, nhưng thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng. Mặt khác, nhờ sở hữu một nền tảng ngân hàng số hiện đại và tích cực chuyển đổi số giúp tiết kiệm nhân lực và tối ưu hóa chi phí hoạt động, nên lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh mảng thanh toán đang tăng mạnh, bancassurance cũng tăng tỷ lệ đóng góp cho thu nhập dịch vụ của các ngân hàng. Tại Vietcombank, báo cáo sơ bộ cho thấy, tỷ trọng thu nhập phi tín dụng tại ngân hàng này đã lên tới hơn 45%, trong đó riêng thu dịch vụ đạt khoảng 29%. Theo lý giải của Vietcombank, kết quả này đến từ việc phân bổ khoảng 1.700 tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm hợp tác độc quyền với FWD Việt Nam, cũng như gia tăng khoảng 47% giá trị đầu tư vào các giấy tờ có giá so với năm 2019.

Câu chuyện khá tương tự trong cơ cấu lợi nhuận của MSB khi tổng thu nhập ngoài lãi cũng tăng đến 42%/năm, đóng góp hơn 2.300 tỷ đồng cho tổng thu nhập thuần. Đặc biệt, thu thuần về hoạt động dịch vụ tăng đến 50%. Thu từ phí bancassurance cũng là điểm nhấn trong tổng thu nhập phí của MSB, khi trong quý IV/2020, ngân hàng này liên tục lọt tốp ngân hàng có doanh thu bancassurance cao nhất thị trường.

Điểm đáng chú ý là mảng ngoại hối cũng đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của nhiều ngân hàng trong năm qua. Đơn cử, tại Vietcombank, mức chênh lệch mua bán của tỷ giá USD/VND mở rộng lên 210 đồng/USD vào cuối năm 2020 so với mức 120 đồng/USD hồi đầu năm và việc Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ đã bù đắp sự sụt giảm trong nguồn cầu thanh toán quốc tế của ngân hàng này.

Trong khi đó, giá vàng biến động mạnh, có thời điểm chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng lên tới gần 4 triệu đồng/lượng đã tác động tích cực lên các ngân hàng có giấy phép kinh doanh vàng như ACB, VPBank...

Đối với mảng thanh toán quốc tế, cuộc cạnh tranh đã hạ nhiệt và ưu thế nghiêng về khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV nhờ tập khách hàng doanh nghiệp lớn, thương hiệu quốc tế, mạng lưới trên khắp thế giới và những ưu đãi đến từ cổ đông lớn nhất - Nhà nước. Còn lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh mang lại nguồn lợi nhuận tiềm năng cho các ngân hàng phân bổ tỷ trọng lớn tài sản vào loại chứng khoán này như MB (10,3%), ACB (15,7%)...

Tương lai là dịch vụ thanh toán

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong năm 2021, xu hướng số hóa dịch vụ thanh toán sẽ còn tiếp diễn, đầu tư vào công nghệ vẫn sẽ là trọng tâm. Nhìn chung, mảng ngân hàng giao dịch và ngân hàng thanh toán sẽ đóng góp tỷ trọng lớn trong nguồn thu nhập dịch vụ của các ngân hàng trong trung hạn”.

Với mảng thẻ, vị thế dẫn đầu của khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối ít nhiều bị ảnh hưởng do bị thu hẹp khoảng cách với khối ngân hàng tư nhân nhờ hưởng lợi từ xu hướng thanh toán không tiền mặt. Tuy vậy, dư địa khai thác của mảng này vẫn còn nhiều khi người tiêu dùng Việt Nam tích cực đón nhận thanh toán kỹ thuật số bởi tính tiện lợi và tốc độ thanh toán nhanh chóng, bên cạnh đó là những ưu đãi về lãi suất, phí, hoàn tiền… của các ngân hàng.

“Mặc dù các ứng dụng thanh toán ngày càng được ưa chuộng, nhưng xu hướng dùng thẻ vẫn tăng trong trung hạn bởi còn nhiều ưu đãi đến từ ngân hàng và thị trường thẻ ở nông thôn chưa được khai thác mạnh”, TS. Hiếu nhận định.

Lãnh đạo cao cấp một công ty tư vấn lớn nhận định, dư địa thị trường còn rất nhiều dựa trên tỷ trọng bancassurance trên tổng thu nhập phí bảo hiểm và tỷ lệ thâm nhập người dùng mới. Các ngân hàng vẫn có kế hoạch tăng trưởng mạnh thu nhập từ phí bancassurance, bất chấp cạnh tranh về thị phần ngày một tăng. Ngoài ra, các hợp đồng độc quyền dự kiến sẽ mang lại nguồn thu nhập bất thường lớn cho các ngân hàng.

“Bancassurance sẽ tăng trưởng mạnh trong trung hạn, đặc biệt tại các ngân hàng có tập khách hàng bán lẻ phân khúc trung và cao cấp rộng lớn – vốn là mục tiêu của các công ty bảo hiểm. Trong năm 2021, thu nhập từ phí mảng bancassurance vẫn sẽ cao đối với toàn ngành, nhưng sẽ chậm hơn ở các ngân hàng vừa ký kết các hợp đồng độc quyền trong năm 2020 và có thể có bất ngờ từ nửa sau năm 2021 với những cái tên như BIDV, Agribank”, vị lãnh đạo trên nói.

Nguồn thu nhập bất thường từ khoản phí trả trước được cho là một điểm tựa cho tăng trưởng đột biến của thu nhập ngoài lãi. Ngoài ra, các lãnh đạo ngân hàng còn cho rằng, với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro và xóa nợ trong thời kỳ dịch bệnh, các ngân hàng sẽ có nguồn lợi nhuận tiềm năng từ việc thu hồi nợ xấu nếu diễn biến kinh tế năm 2021 tích cực hơn.

Cập nhất kết quả kinh doanh ước tính tại một số ngân hàng, tính đến 31/12/2020, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt khoảng 12.869 tỷ đồng, giảm so với con số 14.117 tỷ đồng của năm 2019. Tại Vietcombank, lợi nhuận năm 2020 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 23.130 tỷ đồng của năm 2019. TPBank ước lợi nhuận cả năm 2020 đạt khoảng 4.393 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch đề ra là 4.068 tỷ đồng. Với MSB, lợi nhuận 2020 ước đạt 2.500 tỷ đồng.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục