Cụ thể, dịch vụ bảo hiểm của Techcombank tăng trưởng 60,1% về doanh thu khai thác mới (APE) trong 6 tháng đầu năm nay theo công bố kết quả quý II/2021.
Phí bảo hiểm cũng tăng 48,1% so với cùng kỳ dù việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ cuối quý II do các thành phố lớn thực hiện gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bệnh Covid.
Chính nguồn thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm tăng cùng với thu nhập từ lãi và dịch vụ đã đóng góp tích cực vào con số lợi nhuận đạt được 11.500 tỷ đồng trước thuế của Techcombank trong 6 tháng đầu năm nay.
SCB cũng cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm rất khả quan, nhất là mảng dịch vụ.
Hết quý II/2021, thu nhập từ dịch vụ của SCB đạt 1.310 tỷ đồng, tương đương 78% tổng thu nhập dịch vụ năm 2020. Trong đó, doanh số bảo hiểm đạt gần 1.000 tỷ đồng, đưa SCB trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường về tốc độ phát triển kinh doanh mảng bancassurance.
Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB nửa đầu năm đạt 7.986 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hợp nhất đạt 22.924 tỷ đồng, tăng 44%.
MB cũng vừa báo lãi hợp nhất lãi gần 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục, dự phòng bao nợ xấu vượt 310%
Tính riêng ngân hàng mẹ MB, doanh thu trước dự phòng rủi ro trong kỳ đạt 14.651 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các khoản thu ngoài lãi chiếm 30%. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.038 tỷ, tăng 55%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 28,6%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng, các hoạt động ngoài lãi của MB sẽ duy trì vai trò dẫn dắt nhờ thị trường bảo hiểm Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn.
Cơ sở khách hàng lớn từ hệ sinh thái quân đội, mảng bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas) đã có lãi hoạt động bảo hiểm và thông thường bảo hiểm nhân thọ luôn có hiệu quả kinh doanh cao hơn bảo hiểm phi nhân thọ.
VDSC đưa ra dự báo, lợi nhuận trước thuế của MB có thể đạt 16.095 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương tăng 50,6% so với năm trước.
MSB báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch cả năm với 2.800 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận của MSB tăng mạnh một phần theo nhận định của SSI là nhờ nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận độc quyền được ký kết gần đây với Prudential, ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Không chỉ phí trả trước, thương vụ bắt tay này còn giúp doanh thu từ phí bán bảo hiểm của MSB được dự đoán tăng 30-40%/năm trong vòng 5 năm tới.
SSI cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của ACB tăng 58% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng 19 - 20%, biên lãi ròng nới rộng so với cùng kỳ và doanh thu từ hoạt động bán chéo bảo hiểm.
Kể từ ngày 1/1/2021, ACB chính thức phân phối độc quyền các sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng).
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cập nhật thông tin từ buổi gặp gỡ nhà đầu tư do ACB tổ chức. Tại buổi gặp gỡ này, lãnh đạo ACB tiết lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu từ thu nhập phí trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước với 853 tỷ đồng đến từ mảng bancassurance, bao gồm cả phí tiếp cận.
Ban lãnh đạo ACB cũng chia sẻ rằng, triển vọng thu nhập từ phí vẫn tích cực bất chấp tác động của dịch Covid-19. Do đó, ACB đặt mục tiêu đạt thêm 1.300 tỷ đồng từ phí vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, VPBank đang đàm phán lại hợp đồng bancassurance với hãng bảo hiểm AIA. Ước tính, sau khi ký kết, VPBank sẽ thu về khoản phí trả trước ít nhất 6.000 - 7.000 tỷ đồng.
Lãi hợp nhất trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm vừa được VPBank công bố đạt 9.000 tỷ đồng trước thuế, riêng ngân hàng mẹ đóng góp 88%.
Như vậy, sau khi hoàn tất đàm phán ký bảo hiểm độc quyền, lợi nhuận VPBank sẽ tăng mạnh thời gian tới.
Khảo sát các công ty bảo hiểm mới đây của Vietnam Report cho thấy, doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý của các công ty bảo hiểm. Điều này cho thấy, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang mang lại nguồn thu béo bở cho nhiều ngân hàng.
Nhận định được đưa ra từ các chuyên gia tài chính, việc ngân hàng hạ lãi suất thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 này thì doanh thu chắc chắn sẽ giảm.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ngân hàng sẽ phải tìm cách khác để bù đắp như: "bán bia kèm lạc", chẳng hạn như một số ngân hàng cho vay buộc khách hàng phải mua bảo hiểm, bán chéo sản phẩm để cải thiện doanh số...