Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp tiết kiệm ngàn tỷ lãi vay
Ngay sau yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay của Thủ tướng Chính phủ, tuần qua, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, tiên phong là Agribank, tiếp đến là VietinBank, Vietcombank, BIDV.
Hiện tổng dư nợ của nền kinh tế là hơn 6 triệu tỷ đồng. Trong đó, khối ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn một nửa trong số đó.
Như vậy, với mức giảm lãi suất 0,5%/năm với lĩnh vực ưu tiên mà các ngân hàng thương mại nhà nước vừa triển khai, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng lãi vay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất của một số “ông lớn” ngay từ đầu năm sẽ tác động tốt tới tâm lý thị trường, giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận vốn rẻ hơn.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào thuộc lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm lãi suất theo điều kiện mà các ngân hàng đặt ra. Chưa kể, để giảm lãi suất trở thành một làn sóng, thì vẫn cần phải chờ đợi thêm.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), hiện nay, ngoại trừ Agribank đặc thù cho vay nông nghiệp, các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank vẫn “chuộng” cấp vốn cho các tập đoàn tư nhân lớn hoặc các doanh nghiệp nhà nước.
Khối doanh nghiệp SME và tiểu thương chủ yếu chỉ tiếp cận được vốn qua các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Nói cách khác, các doanh nghiệp này chỉ được lợi nếu làn sóng giảm lãi suất lan ra toàn hệ thống.
Xử lý nợ tốt, lãi suất sẽ giảm thêm
Rất nhiều điều kiện thuận lợi giúp việc giảm lãi suất dễ dàng hơn, song không có nghĩa là lãi suất có thể giảm sâu, bởi các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn.Rất nhiều điều kiện thuận lợi đang giúp cho việc giảm lãi suất trở nên dễ dàng hơn, song điều này không có nghĩa là lãi suất có thể giảm sâu, bởi bản thân các ngân hàng thương mại hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, xử lý nợ xấu…
“Nếu việc giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42 được triển khai thực hiện nhanh và có hiệu quả, lãi suất sẽ có điều kiện đi xuống nhanh hơn”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.
Bên cạnh giảm lãi suất, một trong những giải pháp cung ứng vốn rẻ hơn cho nền kinh tế cũng đang được Chính phủ nỗ lực thúc đẩy, đó là giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh, cân bằng hơn.
Dù thị trường chứng khoán đã vọt lên tới trên 1.000 điểm, song nhìn chung, thị trường vốn của Việt Nam vẫn đang dựa vào ngân hàng.
Cụ thể, hệ thống tổ chức tín dụng chiếm tới 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính; trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm 2,8%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 1%.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN khẳng định, tới đây, tín dụng ngân hàng sẽ tiến tới chỉ phục vụ nhu cầu ngắn hạn.
Còn với nhu cầu vốn trung, dài hạn, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành phát triển phân đoạn của thị trường tài chính để các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu công ty hay thông qua cổ phần hoá các doanh nghiệp... Đây là kênh cung ứng vốn an toàn và cũng rẻ hơn đối với doanh nghiệp.
Một yếu tố nữa có thể giúp lãi suất giảm thời gian tới là làn sóng IPO, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước sẽ khiến thị trường có thêm một dòng vốn mới khổng lồ.
Chỉ riêng bán cổ phần Sabeco mới đây, Nhà nước đã thu về 110.000 tỷ đồng. Ngay trong quý I/2018, hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành cao su, dầu khí tiếp tục bán cổ phần trong quý I/2018, dự kiến thu về 150.000 tỷ đồng.
Như vậy, với hàng loạt giải pháp đồng bộ của Chính phủ, vốn cho nền kinh tế tới đây sẽ rẻ hơn và đa dạng hơn, hỗ trợ GDP tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.