Ngân hàng kín tiếng thưởng Tết Nhâm Dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin thưởng Tết Nguyên đán của nhân viên ngân hàng luôn là đề tài “nóng” được bàn luận sôi nổi dịp cuối năm, thế nhưng năm nay lại khác, các ngân hàng đều rất kín tiếng…
Thưởng Tết Nguyên đán 2022 ngành ngân hàng khả năng sẽ không cao như mọi năm. Ảnh: Dũng Minh Thưởng Tết Nguyên đán 2022 ngành ngân hàng khả năng sẽ không cao như mọi năm. Ảnh: Dũng Minh

Sẽ không cao như trước dịch

Tính đến thời điểm hiện tại, đa phần ngân hàng công bố cơ bản hoàn tất kế hoạch kinh doanh 2021, thậm chí nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra như Vietcombank (26.473 tỷ đồng), VietinBank (16.950 tỷ đồng), Agribank (14.450 tỷ đồng), BIDV (13.000 tỷ đồng), Techcombank (23.000 tỷ đồng), MBBank (16.500 tỷ đồng), ACB (11.700 tỷ đồng), TPBank (6.038 tỷ đồng) MSB (5.168 tỷ đồng)... Thế nhưng, khi được hỏi về mức thưởng cho cán bộ, nhân viên trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, các nhà băng đều không chia sẻ con số cụ thể, đồng thời cho biết không cao như trước dịch.

Chủ tịch HĐQT một nhà băng quy mô lớn cho biết, lợi nhuận năm 2021 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông giao, song mức thưởng Tết sẽ không cao như mọi năm.

“Trong năm qua, ngân hàng đã ‘hy sinh’ hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi vay, hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vả lại, trong bối cảnh dịch bệnh, nợ tái cơ cấu và nợ xấu có xu hướng gia tăng nhanh nên ngân hàng cần tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu, tăng trích lập dự phòng và nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối năm 2021 lên trên 170%. Vì thế, lương thưởng của cán bộ, nhân viên ngân hàng năm nay sẽ không quá vượt trội. Tất nhiên, ngoài lương tháng 13 đã trả trong Tết Dương lịch, với những cán bộ, nhân viên hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kinh doanh năm qua và có thâm niên hoạt động sẽ được hưởng mức thưởng Tết Nhâm Dần xứng đáng”, vị này nói.

VietinBank (mã CTG) là ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” thường xuyên thông tin thưởng Tết Dương lịch sớm nhất. Ngoài tháng lương thứ 13, mỗi người lao động tại ngân hàng này còn được nhận thêm 5 triệu đồng. Được biết, thu nhập bình quân của nhân viên VietinBank thuộc tốp đầu của ngành, đạt khoảng 28 triệu đồng/người/tháng theo báo cáo tài chính của 2 quý đầu năm 2021. Như vậy, bình quân dịp Tết Dương lịch 2022, mỗi nhân viên VietinBank được nhận mức thưởng khoảng 33 triệu đồng. Vậy nhưng, nhà băng này không tiết lộ mức thưởng Tết Nhâm dần.

Được biết đến như là ngân hàng có mức lương, thưởng Tết Nguyên đán cao nhất ngành, song kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy đến, các thông tin về thưởng tết của Vietcombank (mã VCB) cũng hạn chế dần. Theo lãnh đạo ngân hàng này, mặc dù hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận 2021 đề ra, nhưng trong năm qua, Vietcombank đã trích 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, gấp 2 lần quy mô hỗ trợ năm 2020, lại tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu để hạn chế rủi ro, nên mức thưởng Tết Nhâm Dần sẽ khó cao. Tương tự, Agribank và BIDV (mã BID) cũng “né” chia sẻ thông tin thưởng Tết Nguyên đán 2022, dù cũng ghi nhận lợi nhuận cao trong năm qua.

Không chỉ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, mà ngay cả khối ngân hàng cổ phần tư nhân cũng hạn chế thông tin về thưởng Tết Nhâm Dần. Chẳng hạn, tại ACB (mã ACB), trước đây, nhân viên Ngân hàng thường được nhận 5-6 tháng lương dịp cuối năm, tùy vào hiệu quả công việc và thâm niên của từng người, tuy nhiên, ACB hiện chưa công bố mức thưởng Tết năm nay.

MBBank (mã MBB) đã chi cho nhân viên tháng lương thứ 13 kèm theo 3 triệu đồng vào dịp Tết Dương lịch 2022. MBBank đang là ngân hàng trả lương cao thứ hai sau Techcombank với mức trung bình lên đến 35 triệu đồng/người/tháng, song cũng không cung cấp thông tin thưởng Tết Nguyên đán 2022.

Tương tự, một loạt ngân hàng tư nhân khác như VPBank, Sacombank, SHB, PVCombank, OCB... cũng không hé lộ mức thưởng này. Theo lãnh đạo các nhà băng, ngoài mức thưởng “cứng”, số tiền thưởng của mỗi nhân viên còn tùy thuộc vào xếp loại của chi nhánh và xếp loại bình bầu của từng người.

Rầm rộ phát hành ESOP

Thời gian gần đây, khi thị giá cổ phiếu ngân hàng trong xu hướng tăng, các nhà băng rầm rộ phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên với giá ưu đãi như là một giải pháp giữ chân người lao động, bên cạnh chính sách lương, thưởng.

Đơn cử, ABBank (mã ABB) phát hành gần 11,43 triệu cổ phiếu ESOP với giá 13.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng 2% vốn điều lệ theo báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Trên thị trường, giá cổ phiếu ABB đang giao dịch quanh mức 21.000 đồng/cổ phiếu.

Theo lãnh đạo ABBank, 2021 là năm có nhiều khó khăn, toàn thể Ban lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng đã phải rất nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ABBank năm 2021 đạt 1.979 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 121.620 tỷ đồng; dư nợ và huy động cuối kỳ đạt lần lượt 78.640 tỷ đồng và 79.255 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 12.79%. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên chỉ số hiệu quả lợi nhuận bình quân trên mỗi nhân viên ABBank vượt con số 500 triệu đồng.

“Việc phát hành cổ phiếu ESOP có ý nghĩa như một chính sách đãi ngộ để ghi nhận kết quả lao động, động viên nỗ lực đội ngũ cán bộ, nhân viên, thông qua việc gắn liền lợi ích nhân viên và lợi ích Ngân hàng. Đây cũng là nguồn huy động vốn bổ sung để ABBank thực hiện mục tiêu tăng quy mô vốn hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh, cũng như đảm bảo tuân thủ mức đủ vốn theo quy định”, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank nói.

LienVietPostBank (mã LPB) dự kiến phát hành 35 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ phát hành 2,908% trong tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với mức giá hiện tại khoảng 21.500 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, trong tháng 8/2021, VPBank (mã VPB) đã phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua từ nguồn cổ phiếu quỹ (75,22 triệu cổ phiếu), tương ứng 0,611% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng khoảng 1/3 thị giá ở thời điểm phát hành. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, cụ thể: Sau 1 năm sẽ giải tỏa 30% số cổ phần, sau 2 năm giải tỏa tiếp 35% và sau 3 năm giải tỏa nốt 35% còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Techcombank (mã TCB) đã hoàn tất phát hành 6 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 9/2021 cho 238 cá nhân theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Thời điểm này, cổ phiếu TCB được giao dịch quanh mức 49.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ ngày kết thúc đợt phát hành. Trước đó, vào tháng 11/2020, Techcombank có đợt phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu ESOP.

HDBank (mã HDB) cũng phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP cho các lãnh đạo cấp cao Ngân hàng, chiếm tỷ lệ 1,004% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/3 thị giá tại thời điểm nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 24/12/2021 đến 5/1/2022. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Ngoài ra, HDBank dự kiến phát hành 40 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cán bộ, nhân viên Ngân hàng, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định. Lãnh đạo HDBank cho biết, việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ, nhân viên trong quá trình kinh doanh, đồng thời khích lệ tinh thần làm việc, sự gắn bó lâu dài của người lao động với Ngân hàng.

Cổ phiếu ESOP (phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động) được hiểu nôm na là việc các doanh nghiệp bán cổ phiếu cho các nhân viên xuất sắc, người lao động theo các tiêu chí được chọn với giá ưu đãi - thường thấp hơn đáng kể so với giá giao dịch trên thị trường. Ưu điểm của cổ phiếu ESOP không chỉ là chiến lược để giữ chân nhân sự giỏi, mà thông qua đó có thể tăng vốn cho ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính. Bởi vậy, việc phát hành ESOP sẽ còn được các ngân hàng đẩy mạnh thời gian tới.

Câu chuyện hiện nay với cổ phiếu ESOP là “bí mật”, các ngân hàng hầu hết đều xin chủ trương tại đại hội đồng cổ đông, ủy quyền HĐQT thực hiện. Chính vì vậy, đâu đó xuất hiện tình trạng phần lớn cổ phiếu ESOP rơi vào tay lãnh đạo ngân hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục