Tăng thời gian giãn nợ
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cập nhật tới cuối tuần qua, tổng dư nợ tín dụng bị thiệt hại tại 26 tỉnh phía Bắc và Thanh Hóa đã lên tới 116.000 tỷ đồng, với hơn 83.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Tại Yên Bái, dư nợ tín dụng bị thiệt hại bởi bão lũ chiếm tới 18,55% tổng dư nợ toàn tỉnh. Ở một số địa phương khác, tỷ lệ này cũng lớn, như Hải Phòng 10,65%, Quảng Ninh gần 7%, Hải Dương 8,64%...
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho hay, đang tập trung đánh giá thiệt hại và khẩn trương tiến hành các giải pháp hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, tung ra các gói tín dụng mới với lãi suất ưu đãi… Theo lãnh đạo BIDV, VietinBank, Agribank, quy mô tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại mỗi ngân hàng lên tới 40.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, với đặc thù cho vay đến từng xã, huyện, Agribank là một trong những ngân hàng có dư nợ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi bão Yagi. Ngân hàng đã đưa ra những chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến 31/12/2024, tự động cơ cấu nợ cho khách hàng mà không yêu cầu khách hàng phải đến ngân hàng để làm thủ tục…
Đến thời điểm này, hàng chục ngân hàng - dẫn đầu là nhóm Big 4 - đã giảm 0,5-2% lãi suất với khoản vay hiện hữu, tung ra các gói tín dụng ưu đãi mới dành cho khách hàng vùng lũ, tiến hành cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Song sự hỗ trợ này là chưa đủ, thực tế vẫn còn nhiều khách hàng “lọt lưới”.
Cụ thể, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định rõ các cơ chế và trường hợp hỗ trợ khi gặp thiên tai, bão lụt. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận rất lớn khách hàng bị thiệt hại bởi bão Yagi, nhưng không phải đối tượng cho vay theo nghị định này, nên không thuộc nhóm được hỗ trợ và có nguy cơ nhảy nhóm nợ.
Được biết, theo quy định hiện hành (Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN), việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được kéo dài đến ngày 31/12/2024. NHNN đang dự thảo sửa đổi thông tư này. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại kiến nghị, cần đưa ra cơ chế dài hơi hơn cho các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, vì trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cần ít nhất vài năm mới có thể phục hồi.
Trước đó, trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị gia hạn cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2025 đối với các khoản vay của khách hàng sản xuất, kinh doanh tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão Yagi.
Khoanh nợ, vay mới: Nhiều rào cản với khách hàng
Hiện rất nhiều doanh nghiệp, người dân đã trắng tay sau bão lũ. Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, tất cả các hộ trồng rừng (1.200 ha rừng) và 2.000 cơ sở nuôi trồng hải sản bị thiệt hại hoàn toàn. “Với những trường hợp mất trắng này, chúng tôi đề nghị ngân hàng cho khoanh nợ. Vấn đề là theo điều kiện, thủ tục như hiện hành, nhiều hộ gia đình (như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản) rất khó được khoanh nợ, rất thiệt thòi”, ông Huy băn khoăn.
Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, dù rất muốn làm thủ tục khoanh nợ cho người dân, nhưng vấn đề này nằm ngoài tầm với của ngân hàng. Việc khoanh nợ phải đáp ứng điều kiện, thủ tục ngặt nghèo và phải được NHNN, Bộ Tài chính chấp thuận, thậm chí phải trình Thủ tướng quyết định. Các ngân hàng muốn nhanh cũng không thể qua loa, bởi sau này sẽ bị thanh tra, kiểm toán.
“UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, đánh giá thực trạng các vùng bị ảnh hưởng/thiệt hại do thiên tai (bão, lũ), trường hợp thiệt hại, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, cần sớm có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng để hỗ trợ người dân/khách hàng vay vốn có điều kiện được khoanh nợ theo quy định pháp luật, thông báo với NHNN để các ngân hàng thương mại có cơ sở triển khai”, ông Phạm Toàn Vượng khuyến nghị.
Ngoài việc khoanh nợ, một vấn đề nữa khiến khách hàng vùng lũ đau đầu là làm sao để tiếp cận vốn mới. Dù hiện nay rất nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng ưu đãi với khách hàng vùng lũ, song trong bối cảnh nợ xấu tăng cao như hiện nay, việc mạnh dạn cho vay cần đến niềm tin giữa hai bên, khi tài sản thế chấp không còn. Tuy vậy, chỉ khi ngân hàng “nuôi nợ”, khách hàng mới có điều kiện để trả nợ.
Về phía ngân hàng, nỗi lo lớn nhất hiện nay là nợ xấu dềnh lên. Dư nợ thiệt hại do bão lũ hơn 100.000 tỷ đồng có nguy cơ biến thành nợ xấu, nếu không được cơ cấu nợ. Ngay cả khi được cơ cấu nợ, các ngân hàng sẽ phải “còng lưng” trích lập dự phòng với dư nợ này. Nếu không có cơ chế hỗ trợ từ NHNN, chắc chắn trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tăng vọt nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng tới lợi nhuận và an toàn hoạt động.
Các ngân hàng tích cực chia sẻ khó khăn với khách hàng
- Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Các ngân hàng thương mại thời gian qua rất tích cực và trách nhiệm trong chia sẻ khó khăn, rủi ro của khách hàng, như đưa ra các gói tín dụng mới với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay cả với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, cơ cấu nợ… Đây là sự hỗ trợ bằng chính nguồn lực của các ngân hàng thương mại, bao gồm chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết kiệm chi phí.
Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ về mức trích lập dự phòng, phương pháp trích lập phù hợp, từ đó làm căn cứ xây dựng chính sách riêng cho việc giãn, hoãn nợ với các đối tượng bị thiệt hại do bão số 3.