Các ngân hàng tung chiêu hút khách
Vay mua ô tô, vay tiêu dùng thế chấp bất động sản, cá nhân vay kinh doanh tại Maritime Bank sẽ được hưởng lãi suất 6,99%/năm trong 6 tháng đầu với thời hạn vay từ 24 tháng, hoặc lãi suất 7,99%/năm trong 12 tháng đầu với thời hạn vay từ 60 tháng.
Vay mua ô tô tại VietBank lên đến 70% giá trị xe mua. Thời gian duyệt hồ sơ trong 8h. Lãi suất từ 0,75%/tháng, giải ngân sau 8h, thế chấp bằng chính chiếc xe và thời hạn cho vay tối đa lên đến 84 tháng.
Khách hàng vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, vay mua xe ô tô tại OCB có lãi suất cố định 3 tháng đầu tối thiểu 6,5%/năm, cố định 6 tháng đầu tối thiểu 7%/năm, cố định trong 12 tháng đầu tối thiểu 8%/năm.
Tại Viet Capital Bank, khách hàng sẽ được giải ngân cho vay tiêu dùng trong vòng 4h và được hưởng mức lãi suất cố định trong 6 tháng đầu 6,5%/năm, hoặc 12 tháng đầu là 7,5%/năm.
Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay tiêu dùng hiện nay vẫn ở mức cao, nên hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các ngân hàng tung ra cho khách hàng cá nhân vay vốn, nhằm gia tăng nguồn thu. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của cá nhân dự báo tăng mạnh trong quý IV.
Theo lãnh đạo Viet Capital Bank, quý IV luôn là giai đoạn kinh doanh tốt nhất của hầu hết ngành nghề và ngân hàng cũng vậy, đặc biệt là nhóm sản phẩm cho vay mua ô tô, mua nhà, tiêu dùng.
Dư nợ cho vay tiêu dùng có thể tăng 20%/năm
Nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống, nên dư nợ tín dụng tiêu dùng không chỉ ở công ty tài chính mà tại các ngân hàng cũng gia tăng đáng kể.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, mức tăng trưởng tín dụng của Viet Capital Bank trong 8 tháng đầu năm nay phù hợp với tình hình tăng trưởng chung của toàn ngành. Trong đó, tăng trưởng tín dụng khối khách hàng cá nhân nằm trong mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống (hơn 10%).
Lãnh đạo Sacombank chia sẻ, dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân hiện chiếm hơn 50% tổng dư nợ của Ngân hàng. Trong đó, vay tiêu dùng, mua nhà chiếm tỷ trọng khá cao.
Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho hay, trong bối cảnh hiện nay, tốt nhất vẫn là đẩy mạnh tín dụng khối cá nhân và tận dụng tối đa kênh phân phối vốn. Kienlongbank đang theo hướng đẩy mạnh tín dụng phân tán để giảm rủi ro trong cho vay. Vì vậy, các khoản vay tiêu dùng vài chục triệu đồng hoặc vài triệu đồng được đẩy mạnh.
Tại VietBank, với chiến lược đẩy mạnh tín dụng nhỏ lẻ nên ngân hàng này tập trung vốn cho khách hàng cá nhân vay, kéo theo dư nợ tín dụng khối này dần được cải thiện.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, trong vòng 5 năm tới, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt 10% GDP, bình quân mỗi năm tăng trưởng 20%. Với quy mô dân số trên 90 triệu người, trong đó 51,6% là dân số trẻ, đang ở độ tuổi lao động, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Theo TS. Hiếu, tại các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng chiếm 17 - 18% GDP, còn ở Việt Nam, con số này là 5 - 6%.
Hiện có 2 thành phần trong nền kinh tế cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng, đó là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, trong đó có công ty tài chính, cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, đối tượng và phân khúc khách hàng của 2 thành phần cho vay này khác nhau. Vì thế, mức lãi suất cho vay được ngân hàng áp dụng cũng khác với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, nhằm cân đối rủi ro. Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn ngân hàng, do rủi ro cao hơn, nhưng thủ tục vay thoáng hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khuyến nghị, khách hàng nên thận trọng, tìm hiểu kỹ cách tính lãi suất, phương thức trả lãi và trả nợ vay để tránh rủi ro các tình huống đáng tiếc xảy ra sau một thời gian vay, không trả được vốn.