Để hỗ trợ khách mua nhà, nhiều doanh nghiệp đã kết hợp với ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi, thậm chí đưa lãi suất vay mua nhà bằng 0. Tuy nhiên, thời gian ưu đãi quá ngắn, sau đó được thả nổi khiến niềm tin của khách hàng vào gói hỗ trợ ngày càng giảm dần.
Từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo sự khó khăn về thanh khoản. Để kích cầu, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với ngân hàng trong việc hỗ trợ tín dụng cho khách mua nhà. Thế nhưng, việc bán nhà đi kèm với hỗ trợ lãi suất “khủng” của doanh nghiệp dường như mới phát huy hiệu quả về mặt truyền thông, trong khi hiệu quả về mặt bán hàng vẫn còn là một dấu hỏi.
Cụ thể, Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng mở bán căn hộ D’.Palais de Louis với lãi suất 0%/năm kéo dài đến 2 năm, nhưng kết quả mở bán ra sao, đến nay vẫn chưa được doanh nghiệp này tiết lộ. Hay tại Dự án Golden Palace (Mễ Trì, Hà Nội), chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Mai Linh cũng đã ứng trước khoảng 200 triệu đồng lãi suất cho mỗi khách mua nhà, đưa lãi suất vay mua nhà về 0 trong 1 năm đầu. Thế nhưng, kết quả bán hàng đến nay cũng vẫn là một “ẩn số”. Trong khi tại khu vực phía Nam , rất nhiều doanh nghiệp cũng rầm rộ đưa ra gói hỗ trợ vay mua nhà lãi suất 0%/năm, nhưng kết quả bán hàng ra sao cũng không mấy doanh nghiệp công bố.
Cùng với doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng vào cuộc “giải cứu” thị trường địa ốc bằng việc đưa ra những gói hỗ trợ cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Song thời hạn ưu đãi lãi suất chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, dao động từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó lãi suất bị thả nổi. Trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, việc điều chỉnh lãi suất rất có thể sẽ diễn ra, khiến nhiều người có nhu cầu vay mua nhà nhưng lại không dám vay vì sợ những rủi ro. Vì thế, hầu hết các gói hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả trên thực tế.
Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ đô cho rằng, hiện đang tồn tại một nghịch lý trên thị trường địa ốc, đó là doanh nghiệp và ngân hàng đua nhau đưa ra những gói hỗ trợ lãi suất, nhưng niềm tin của khách hàng vào thị trường và những gói hỗ trợ lại ngày một giảm dần.
“Nếu ngân hàng đưa ra ra một gói tín dụng với lãi suất thấp và cam kết ổn định trong tương lai, sẽ phát huy tác dụng tích cực với thị trường địa ốc”, ông Kiên nói.
Trên thực tế, một gói tín dụng với lãi suất thấp, ổn định vừa được Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đưa ra thị trường. Gói tín dụng này mang một cái tên rất lạ: “Niềm tin”, với kỳ vọng sẽ phá băng thị trường địa ốc.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc Oceanbank cho biết, Ngân hàng sẽ dành khoảng 1.000 tỷ đồng (có thể điều chỉnh tăng thêm theo nhu cầu thị trường), với lãi suất chỉ từ 5,91%/năm cho vay mua nhà tại các dự án đã thực hiện xong phần thô và chuẩn bị bàn giao nhà. Dự án đầu tiên Oceanbank hợp tác triển khai gói tín dụng này là Dự án Hanoi Time Towers (quận Hà Đông), với hơn 600 khách hàng.
Đại diện của Oceanbank cho biết, mức lãi suất của gói tín dụng này khá ổn định, được điều chỉnh theo chi phí vốn hoặc lãi suất đầu vào. Ví dụ, đến cuối năm 2014, nếu lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng là 7%/năm, chi phí vốn là 7,5%/năm, cộng với biên độ 2%/năm, thì lãi suất cho vay sẽ là 9,5%/năm. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất huy động những năm gần đây liên tục giảm, theo vị đại diện này, lãi suất huy động trong thời gian tới có thể giảm tiếp, tạo điều kiện cho lãi suất cho vay của gói tín dụng “Niềm tin” giảm hơn nữa.
Chưa biết việc triển khai gói “Niềm tin” nhằm giải cứu thị trường địa ốc sẽ ra sao. Nhưng nếu Oceanbank thực hiện đúng cam kết, không “thả nổi” để lãi suất biến động quá lớn sau năm đầu tiên và những năm tiếp theo, thị trường căn hộ chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.