Sau khi NHNN ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, có ý kiến cho rằng, xu hướng M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã được mở đường và sẽ rất sôi động. Nhưng trên thực tế, các thương vụ M&A ở ngành này vẫn rất ít, theo ông, xu hướng này sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, cũng như các lĩnh vực, ngành nghề khác, tài chính - ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực đang trên đà phát triển và theo nhịp độ của nền kinh tế. Vì thế, tài chính - ngân hàng cũng khó tránh được làn sóng mua, bán hoặc sáp nhập, vì đó là xu hướng tất yếu sẽ diễn ra trên thị trường. Đặc biệt là khi các ngân hàng phải từng bước đáp ứng lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ và NHNN trong năm nay cũng như các năm tới. Bên cạnh đó, xu hướng M&A cũng đang diễn ra tại các lĩnh vực khác như bảo hiểm, chứng khoán. Vấn đề chỉ là là thời điểm nào M&A sẽ xảy ra đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng? Vì hiện tại, khung pháp lý M&A cho ngành nghề này chưa được hoàn thiện.
Trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận có đề nghị tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông tổ chức ở một ngân hàng không vượt quá 15%, theo ông, điều đó có hạn chế về việc sở hữu cổ phần của một tổ chức tại ngân hàng?
Theo tôi, nếu hạn chế tối tỷ lệ cổ phần sở hữu đa tại một ngân hàng đối với một tổ chức tín dụng 15% cũng có phần tương đối hạn chế. Tuy nhiên, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm nên Chính phủ sẽ có những hạn chế tỷ lệ cổ phần nhất định trong việc góp vốn của các tổ chức và cá nhân. Điều đó cũng là tất yếu và phù hợp với lĩnh vực này.
Ông có nghĩ rằng, M&A ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, nhất là khi áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2010 đang gia tăng đối với các ngân hàng quy mô nhỏ?
Đối với mỗi thị trường đều phải trải qua giai đoạn này, vì thế với lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Như tôi đã nói, điều cần quan tâm nhất lúc này chính là việc làm sao để trả lời được câu hỏi: khung pháp lý hiện đã rõ ràng hay chưa và khi nào sẽ được hoàn thiện? Với bản thân VinaCapital, chúng tôi cũng rất mong muốn tìm kiếm được nhiều cơ hội ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam để đầu tư. Hiện cơ hội đối với lĩnh vực này là có, nhưng điều quan trọng là cần phải xem xét tiềm năng phát triển của từng ngân hàng cụ thể và khi nào tiến hành sẽ phù hợp.
Theo ông, để có thể thành công trong các thương vụ M&A ở lĩnh vực này, cần có những yếu tố gì?
Để có thể thực hiện thành công một thương vụ M&A và phát triển tốt sau khi hoàn tất, trước hết cần hội tụ được các yếu tố như: chiến lược, lý do, tiềm năng phát triển, cơ hội… Theo tôi, cơ hội 2008 có nhiều hơn hiện nay.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng có những yếu tố khác với các ngành nghề khác. Ở Việt Nam, để sáp nhập 2 ngân hàng với nhau cần được xem xét kỹ và phải có lý do cụ thể. Vì với lĩnh vực tài chính - ngân hàng việc cạnh tranh ngày một gay gắt. Nếu ngân hàng A mua ngân hàng B mà cả hai nhà băng này đều có chi nhánh mạng lưới, sản phẩm như nhau thì thực hiện M&A chỉ đơn thuần để sáp nhập hai đơn vị lại với nhau thì chưa hẳn đã thành công.
Nhưng nếu một ngân hàng nước ngoài mua lại một phần vốn của Việt Nam thì theo tôi là một cuộc M&A rất khả thi bởi có lý do rất cụ thể. Vì muốn phát triển được thị phần ở Việt Nam, ngân hàng nước ngoài sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Trong khi, thực hiện thương vụ mua lại, họ sẽ có ngay mạng lưới, cơ sở để hoạt động. Còn ngân hàng Việt Nam, với những cam kết hợp tác cùng phát triển từ phía ngân hàng nước ngoài, có thể tận dụng được lợi thế về thương hiệu, kinh nghiệm quản lý… để giúp cả hai cùng phát triển.