Ngân hàng hụt nguồn thu từ dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Lợi nhuận quý III/2024 của ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng, song nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ lãi thuần, trong khi nguồn thu ngoài lãi có xu hướng sụt giảm.
Tín dụng vẫn là mảng đóng góp chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng Tín dụng vẫn là mảng đóng góp chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng

Lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng

Tín dụng dần cải thiện là động lực tích cực cho lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024.

Eximbank cho biết, đến cuối tháng 9, tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng vốn huy động tăng 9,1% so với đầu năm và tăng 12,2% so với cùng kỳ; dư nợ tăng 15,1% so với đầu năm, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đều tăng qua các quý (trong đó, lợi nhuận trước thuế quý III/2024 ghi nhận mức tăng trưởng 39% so với cùng kỳ); tỷ lệ an toàn vốn (CAR) luôn ở ngưỡng 12 - 14% (cao hơn so với ngưỡng 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).

Trước đó, tại thời điểm cuối quý II/2024, tín dụng của Eximbank mới tăng 8%. Như vậy, chỉ trong một quý, dư nợ cho vay mới của nhà băng này đã tăng gấp đôi, phần nào tác động tích cực lên kết quả kinh doanh quý vừa qua.

Nguồn thu ngoài lãi quý III/2024 của Eximbank chưa được công bố, song báo cáo kế toán kỳ trước đó cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, thu ngoài lãi của nhà băng này giảm mạnh. Trong đó, thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 5 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn thu nhập lãi thuần vẫn tăng 38,1%, lên 1.512 tỷ đồng.

Tại ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát cho hay, kết quả kinh doanh quý III/2024 đang theo kế hoạch, nhất là khi tín dụng tăng trưởng cao hơn bình quân ngành. Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB tăng khoảng 14%.

KBSV dự phóng thu ngoài lãi của ACB năm 2024 giảm 19,2% so với năm ngoái, xuống 6.293 tỷ đồng.

“Chúng tôi hy vọng tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng cuối năm. ACB sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi ra thị trường, cho vay linh hoạt để vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vừa thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng trong năm nay và năm tới”, ông Phát nói.

Hạn mức tín dụng còn lại của ACB trong các tháng cuối năm 2024 vào khoảng 4% (room tín dụng của ACB được Ngân hàng Nhà nước nới lên 18%), nhưng theo CEO ACB, hiện Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt trong việc điều hành hạn mức tín dụng nên nếu ACB cần thêm room tín dụng để đáp ứng cầu vốn tăng vào cuối năm sẽ được cấp thêm.

Ông Phát nhìn nhận, hiện có 3 lĩnh vực mà Ngân hàng có thể đẩy mạnh cung cấp tín dụng trong các tháng cuối năm, gồm: doanh nghiệp FDI, tín dụng xanh, tín dụng tiêu dùng. ACB cam kết cho vay 5.000 tỷ đồng vốn giá rẻ thông qua các hiệp hội doanh nghiệp và có thể tăng lên con số 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp dịp cuối năm. Trong đợt bão lũ vừa qua, ACB quyết định giảm 1%/năm lãi suất cho những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vay ưu đãi lãi suất 6%/năm để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 30/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9%, cải thiện tích cực so với mức 6,1% vào cuối quý II/2024. Gần 80% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận 2024 tăng trưởng dương so với năm ngoái (theo kết quả điều tra quý IV/2024 vừa được Vụ Thống kê, Ngân hàng Nhà nước đưa ra).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 9/2024 đã thực hiện được 2/3 mục tiêu cả năm và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% có khả năng sẽ đạt được.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, nguồn thu cốt lõi của các ngân hàng hiện nay vẫn là thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, các dự báo đều đánh giá triển vọng cải thiện NIM của các ngân hàng tương đối khó khăn trong thời gian tới do chi phí vốn sẽ dần tăng khi lãi suất huy động tăng. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng bán lẻ tiếp tục phục hồi chậm, khiến các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để tăng sức cạnh tranh. Vì vậy, chắc chắn các nhà băng phải nỗ lực đẩy mạnh tăng thu ngoài lãi để cải thiện lợi nhuận.

Thu ngoài lãi khó kỳ vọng cao

Là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa năm 2024, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, ACB được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trong những tháng cuối năm. Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính, mức room tín dụng mới của ACB là 18,5%, tăng 2,5% so với ngưỡng 16% từ đầu năm. Đồng thời, với chiến lược ưu tiên tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, nhà băng này sẽ hoàn thành tổng hạn mức được cấp trong năm nay.

Các chuyên gia phân tích KBSV cho rằng, việc được cấp thêm room tín dụng là yếu tố hỗ trợ lớn cho dự phóng kết quả kinh doanh của ACB. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ước đạt 22.361 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 11,4% so với năm trước. KBSV dự phóng thu nhập lãi thuần năm 2024 của ACB ở mức 29.823 tỷ đồng, tăng 19,5% nhờ việc mới được nới thêm room. Trong khi đó, thu ngoài lãi được dự báo giảm 19,2%, xuống 6.293 tỷ đồng, do mảng chứng khoán đầu tư, chứng khoán kinh doanh không còn cơ hội lớn.

Trong báo cáo dự phóng lợi nhuận ngành ngân hàng quý III/2024, Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng, ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, tín dụng quý III tiếp tục cải thiện so với quý II nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Biên lãi thuần (NIM) quý III được dự báo đi ngang, hoặc giảm nhẹ so với đầu năm, bởi hầu hết các ngân hàng tăng dần lãi suất tiền gửi để huy động vốn, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Các chuyên viên phân tích cho rằng, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi vẫn dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán dự báo sẽ không có tăng trưởng cao khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Nửa đầu năm nay, Techcombank ghi nhận nguồn thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) lên tới 1.792 tỷ đồng, tăng 199% so cùng kỳ. Riêng quý II, nhà băng này ghi nhận phí dịch vụ IB đạt 1.000 tỷ đồng. Song MBS dự báo, thu nhập ngoài lãi của Techcombank trong quý III sẽ giảm tốc khi phí mảng IB hạ nhiệt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế khả năng sẽ đạt con số 15% trong năm nay, do đó, lợi nhuận ngân hàng cũng được dự báo tăng khoảng 10% so với năm 2023 và chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần. Trong khi đó, nguồn thu ngoài lãi sụt giảm, nhất là đối với mảng bảo hiểm (bancassurance).

Thực tế, trong hai năm nay, doanh thu bancassurance bị sụt giảm khá mạnh sau một số vụ việc ồn ào liên quan đến kênh phân phối này và cơ quan quản lý đã đẩy mạnh thanh tra, siết lại hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng MB cũng thừa nhận, mảng kinh doanh bảo hiểm khó hồi phục trong năm 2024. Trước đó, MB ghi nhận doanh thu bán bảo hiểm giảm 5% trong quý II/2024 và giảm đến 19% trong cả năm 2023.

Không nằm ngoài xu hướng chung, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank năm 2023 giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý I và II/2024, ngân hàng này không ghi nhận thông tin về hoạt động bancassurance.

Trong khi, Techcombank cũng ghi nhận phí bảo hiểm quy năm (APE) trong quý I/2024 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trước khi phục hồi lại mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng gần 32% trong quý II (so với cùng kỳ).

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục