Ngân hàng hợp nhất: Quyền lợi người gửi tiền vẫn được bảo đảm

(ĐTCK-online) “Sau hợp nhất, dịch vụ sẽ tốt hơn, an toàn hơn, do đó, khách hàng nên vui hơn là buồn”
(Nguồn: Internet)

Ngay sau tuyên bố của NHNN về chủ trương hợp nhất SCB, TinNghiaBank và Ficombank đầu tuần này, phần lớn hoạt động tại 3 ngân hàng này vẫn diễn ra bình thường nhưng cũng có những điểm giao dịch có nhiều người tụ tập tìm hiểu thông tin hợp nhất, rút tiền và bày tỏ sự băn khoăn.

Chị Thanh Hải ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, chị đang gửi một lượng vàng khá lớn tại SCB. Sau khi nghe thông tin ngân hàng này sẽ hợp nhất với hai ngân hàng khác, chị rất lo lắng, bởi theo thoả thuận, vàng gửi tại SCB không được rút trước hạn, nếu rút trước hạn thì dù đã gửi tiết kiệm được nửa kỳ hạn, chị cũng không được hưởng lãi. “Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết kỳ hạn gửi tiết kiệm vàng 6 tháng, nếu rút vàng ra lúc này, coi như ‘công cốc’ 5 tháng gửi tiết kiệm vừa rồi, nhưng nếu không thì…”, chị Hải băn khoăn.

Tương tự, anh Hoàng Long ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, nhân viên TinNghia Bank đã tư vấn cho gia đình anh rằng, có thể lãi suất trong thời gian tới sẽ hạ, nên gia đình đã gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để được hưởng lãi suất cao trong thời gian dài. Cụ thể, anh Long đã gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với lãi suất thấp hơn quy định 14%/năm một chút để nhận được quà và đi kèm là cam kết không rút tiền trước hạn.

Nay nghe tin TinNghia Bank sẽ hợp nhất với SCB và Ficombank, “gia đình hết sức băn khoăn, ăn không ngon ngủ không yên, chỉ mong rút được tiền về”, anh Long nói.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định, các phản ứng trên là điều dễ hiểu vì trong những ngày đầu tiên, thị trường bao giờ cũng thử niềm tin. Tuy nhiên, BIDV chủ trương cho phép thỏa mãn, đầy đủ, kịp thời; không khất, hoãn, giãn nợ đối với bất kỳ nhu cầu rút tiền nào.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc ở nước ngoài nhìn nhận, về nguyên tắc, trong câu chuyện này cũng có rủi ro là có thể không đi đến sự hợp nhất như mong muốn. Cả 3 ngân hàng vẫn đang trong quá trình bàn thảo với nhau, nên thị trường không biết câu chuyện hợp nhất sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang vì rõ ràng đây là câu chuyện hợp nhất có sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và sự hỗ trợ của BIDV. Đây sẽ là sự hợp nhất tốt, giúp 3 ngân hàng mạnh hơn, lớn hơn, quy mô, vốn điều lệ cao hơn, chắc chắn sẽ phục vụ tốt hơn.

“Người gửi tiền có quyền kỳ vọng sau khi hợp nhất, dịch vụ sẽ tốt hơn, an toàn được tăng cường. Do đó, khách hàng không cần phải lo lắng mà nên vui hơn là buồn”, TS. Hiếu nói.

Điều này cũng được chính bà Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch HĐQT Ficombank, đại diện cho ba ngân hàng tự nguyện hợp nhất, chia sẻ: “Quy mô vốn điều lệ của ngân hàng sau hợp nhất là gần 10.600 tỷ đồng, tổng tài sản trên 150.000 tỷ đồng với trên 200 đơn vị, chi nhánh, phòng giao dịch. Đây là giai đoạn mở ra chiến lược phát triển, củng cố toàn diện của ba ngân hàng chúng tôi hiện nay và ngân hàng sau hợp nhất”.

Đặc biệt, Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn đã khẳng định: “Việc hợp nhất ba ngân hàng sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống tín dụng. Đặc biệt, quyền lợi của người gửi tiền luôn được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của các NHTM khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý”.

Thủy Nguyên
Thủy Nguyên

Tin cùng chuyên mục