Nâng cao trải nghiệm cho khách hàng trên nền tảng số
Nếu như vài năm trước, khách hàng chỉ có thể giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm trên kênh online thì nay, khi các cá nhân có nhu cầu vay mua nhà cũng không phải mất thời gian đến ngân hàng. Bởi các ngân hàng đã có sự đầu tư mạnh mẽ để xây dựng hệ thống phê duyệt các khoản vay nhỏ lẻ trực tuyến.
Chẳng hạn, OCB ra mắt Liobank - Ngân hàng số công nghệ - từ tháng 3/2023, dành riêng cho khách hàng trẻ. Mọi giao dịch và yêu cầu của khách hàng đều có thể thực hiện trên ứng dụng này, mà không cần đến quầy giao dịch hay thủ tục giấy tờ xác minh phức tạp và tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
Mai Anh, nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cho biết, từ khi biết tới ứng dụng Liobank, cô không còn mất thời gian đến ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện được tất cả các giao dịch cần thiết.
Liobank còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi chi tiêu như phát hành thẻ “2 trong 1” - kết hợp giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, nhận thẻ phi vật lý ngay sau khi đăng ký thành công, chọn địa điểm và khung giờ nhận thẻ vật lý ngay trên ứng dụng, giao thẻ vật lý ngay ngày hôm sau, hạn mức tín dụng lên tới 300 triệu đồng. Tính đến nay, Ngân hàng số Liobank đã đạt hơn 300.000 khách hàng mới, 600.000 khách hàng tải ứng dụng và được bình chọn 4,6/5 sao trên App Store và Google Play…
Khách hàng có nhu cầu vay mua nhà cũng rất dễ dàng đăng ký qua ứng dụng Unlock Dream Home của Liobank. Hiện lãi vay mua nhà thấp nhất tại OCB là 5,8%/năm, cố định 6 tháng đầu giải ngân, có áp dụng cho Unlock Dream Home. Với sản phẩm này, tài sản đảm bảo là chứng từ có giá tại OCB, tỷ lệ vay lên đến 100% giá trị tài sản đảm bảo cầm cố.
Chị Phương Anh (quận 3, TP.HCM) cho biết, tháng trước, chị có nhu cầu mua một căn hộ ở TP. Thủ Đức, trị giá gần 3 tỷ đồng, nhưng do không đủ tài chính nên đã tìm hiểu một số ngân hàng để vay thêm gần 800 triệu đồng. Cuối cùng, chị chọn vay qua ứng dụng Unlock Dream Home của OCB để tiết kiệm thời gian, hưởng lãi vay ưu đãi.
Quả thực, xu thế số hóa mạnh mẽ của ngành ngân hàng ngày càng đem lại nhiều tiện ích và trải nghiệm mới cho người dùng. Ngay cả dịp lễ, Tết, khách hàng cũng không còn phải lo lắng về việc ngân hàng đóng cửa, mà có thể ngồi tại nhà thực hiện thoải mái hầu hết các giao dịch ngân hàng.
Ông Minh Tấn, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo ở quận 10, TP.HCM cho biết, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ông không tốn thời gian chờ đợi ở ngân hàng và lo lắng về rủi ro khi phải trữ tiền mặt tại cửa hàng nhờ có điểm giao dịch ngân hàng số ONEBANK của Nam A Bank. Ông Tấn kể, điểm giao dịch số này hỗ trợ khách hàng hầu hết giao dịch ngân hàng hiện đại 365+, kể cả lễ Tết, phục vụ tất cả các ngày trong tuần từ 5h30 - 22h30. Nhờ đó, ông có thể nộp tiền sau giờ hành chính và trong các ngày nghỉ.
Có thể thấy, với bước tiến số hóa mạnh mẽ của ngành ngân hàng và những thay đổi trong phương thức tiêu dùng của người dân cùng với sự đa dạng của các kênh mua sắm online, các ngân hàng đã không ngừng đầu tư vào công nghệ.
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức, với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.
Ngân hàng mạnh tay đầu tư cho công nghệ
Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB Trịnh Văn Tuấn chia sẻ: “Năm 2024 được dự đoán tiếp tục là năm nhiều thách thức cho cả hệ thống ngân hàng. Để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn và khả năng sinh lời, OCB sẽ chú trọng vào công tác kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tài sản tạo đà cho xu hướng xanh hóa. Đặc biệt, số hóa vẫn được xem là thế mạnh cũng như chiến lược ưu tiên của OCB trong năm 2024 nhằm đẩy mạnh nguồn thu từ các dịch vụ, đồng thời tiết giảm được chi phí vận hành”.
Ngày 15/5 vừa qua, OCB ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới, trên cơ sở hợp tác cùng Backbase - công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới. Phiên bản này tối ưu trải nghiệm và tính bảo mật.
Cụ thể, OCB OMNI 4.0 sở hữu tính năng thanh toán QR một chạm, ứng dụng cho phép giao dịch liền mạch tại hàng ngàn điểm dịch vụ khác nhau, từ thương mại điện tử đến du lịch. Ứng dụng cũng sở hữu các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện dụng, như mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, tiền gửi, vay cùng nhiều tính năng ưu việt khác. Phiên bản lần này được sử dụng công nghệ bảo mật FIDO, bảo mật đa lớp để ký cho từng giao dịch, được đánh giá an toàn nhất hiện nay. OCB đã sẵn sàng bổ sung xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7/2024 theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Hồng Hải, Quyền Tổng giám đốc OCB cho biết, Việt Nam được định vị là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Trong đó, tốc độ tiếp cận thị trường nhanh chóng nhằm mang lại sự tương tác chất lượng với khách hàng là vô cùng quan trọng để ngân hàng giành được sự ưu tiên trên thị trường.
Không nằm ngoài làn sóng số hoá của ngành, Eximbank xác định chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả là một trong những mục tiêu chiến lược năm 2024. Eximbank cho biết, đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công nghệ thông tin với mục tiêu “làm chủ công nghệ hiện đại, xanh, an toàn, bảo mật”, ứng dụng thực tế vào hoạt động kinh doanh, vận hành tối ưu hóa hiệu quả quản lý, phát triển nền tảng khách hàng, tập trung nguồn lực triển khai các nhóm mục tiêu trọng điểm: mở rộng phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, thay thế hệ thống Core thẻ; triển khai các dịch vụ thanh toán mới Apple Pay, Garmin Pay, Google Pay; hệ thống Open Banking; ứng dụng công nghệ Chat GPT trong quản trị vận hành, công nghệ AI kết hợp (Block chain); Big Data trong quản trị, phân tích dữ liệu phát triển nền tảng khách hàng mới, duy trì sự gắn kết khách hàng hiện hữu vào nhiều mảng hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh tăng cường đầu tư cho an toàn bảo mật thông tin khách hàng.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, mỗi năm, Ngân hàng đầu tư 1.000 tỷ đồng vào hoạt động phát triển công nghệ thông tin nói chung. Tuy nhiên, theo ông Phát, tiền không phải là tất cả. Mô hình kinh doanh phải dẫn dắt chuyển đổi số, chứ không phải công nghệ thông tin. ACB đã bắt tay với các “ông lớn” như FPT, VNG… để tạo ra các sản phẩm công nghệ mới do Ngân hàng đặt hàng. Ngoài AI chatbot, ACB cũng cho ra mắt ACB lite - chuỗi ngân hàng tự động hướng đến những tiện ích phù hợp với cuộc sống gọn nhẹ thời hiện đại.
Chia sẻ về những thành tựu nổi bật của ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, lãnh đạo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ những nền tảng về pháp lý và công nghệ, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản cũng đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Hiện nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Ông Lê Anh Dũng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo an ninh, an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo. Trước mắt, cơ quan này sẽ tập trung vào việc ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.