Trong đơn phản ánh mới nhất gửi tới Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện 500 khách hàng mua nhà tại Dự án AZ Thăng Long cho biết, do có nhu cầu mua nhà, qua tìm hiểu, họ đã được biết về dự án này. Mặc dù dự án đã từng có tiền lệ xấu, nhưng tin tưởng vào việc AZ Thăng Long đã được cấp phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội, đồng thời được hỗ trợ lãi suất bởi ngân hàng nên nhiều khách hàng đã làm thủ tục mua nhà.
Theo chia sẻ của các khách hàng, để được mua căn hộ tại dự án, họ phải tuân thủ nghiêm các quy trình xét duyệt đối tượng được mua, có đủ vốn đối ứng theo quy định. Với giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn, tùy diện tích lớn nhỏ. Ngoài vốn đối ứng, khách hàng phải bỏ tiền tích cóp hoặc vay ngân hàng khoảng 400 - 700 triệu đồng. Do vậy, mỗi tháng, dù chưa được nhận nhà, khách hàng vẫn phải trả gốc và lãi vài triệu đồng. Với người thu nhập thấp, đây là một gánh nặng khá lớn.
Được biết, đa phần các gia đình mua nhà ở dự án AZ Thăng Long đều có thu nhập bình quân mỗi tháng tối đa khoảng 15 triệu đồng, chi tiêu sinh hoạt ở mức tối thiểu cũng hết 8 - 10 triệu đồng, cộng thêm khoản phải trả cho ngân hàng hàng tháng (4 - 7 triệu đồng), gần như không còn khoản tích lũy đề phòng lúc hữu sự…
Theo dự kiến, cư dân sẽ nhận được nhà vào thời điểm cuối tháng 11/2017. Tuy nhiên, khi chuẩn bị hoàn thiện, dự án bất ngờ chậm tiến độ rồi dừng hẳn suốt hơn 3 tháng nay. Lo lắng, nhiều khách hàng cho biết, đã liên tục tìm gặp ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land để yêu cầu giải thích, đồng thời đề nghị có động thái để triển khai tiếp dự án, nhưng đều không được hồi âm.
Mãi tới ngày 16/3/2018 vừa qua, sau nhiều sức ép từ khách hàng, ông Sơn mới chấp nhận gặp mặt. Tại cuộc gặp, lý giải về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Sơn thừa nhận gặp nhiều khó khăn chất chồng khiến dự án không thể triển khai.
Cụ thể, AZ Thăng Long là một trong những dự án nhà ở xã hội trọng điểm của Hà Nội, được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Ngày 8/10/2014, hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án AZ Thăng Long giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và ngân hàng được ký kết. Số vốn vay giải ngân là 1.104 tỷ đồng, thời gian vay tối đa 8 năm, đồng thời hỗ trợ 100% khách hàng vay mua nhà.
Thế nhưng, theo ông Sơn, khi mới giải ngân được một phần, dự án bất ngờ bị ngân hàng dừng cấp vốn do gặp phải sự cố bất khả kháng khi ngày 28/3/2016, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 1953/NHNN-TD về việc dừng triển khai gói vay 30.000 tỷ đồng trên toàn quốc.
Việc đồng loạt dừng giải ngân của ngân hàng, theo ông Sơn, là lý do chính khiến cho dự án không thể triển khai tiếp được. Vì thế, ngay tại cuộc gặp ngày 16/3/2018, ông Sơn đã bất ngờ đề nghị thanh lý hợp đồng với toàn bộ khách hàng bao gồm cả khoản vay mà khách hàng đã phải trả khi tiến hành làm thủ tục mua nhà.
Thông tin này khiến các cư dân phản đối vì cho rằng, chủ đầu tư không có đủ 10 tỷ đồng đối ứng để được ngân hàng giải ngân mới để triển khai dự án, nếu đồng ý thanh lý thì rất khó có cơ sở để chủ đầu tư giữ được lời hứa thanh toán tiền đã nộp.
Theo đánh giá của luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, sự vỡ trận của một số dự án nhà ở xã hội, với cụ thể Dự án AZ Thăng Long ở đây cho thấy những góc khuất trong việc thẩm định để công nhận các dự án được đưa vào hưởng chính sách dự án nhà ở xã hội. Thực tế, nếu không thẩm định kỹ và quản lý tốt thì không loại trừ khả năng chương trình nhà ở xã hội là “mảnh đất” để một số chủ đầu tư có nguy cơ phá sản dựa vào.
Trong vụ việc tại AZ Thăng Long, cần làm rõ lý do vì sao ngân hàng không tiếp tục giải ngân cho dự án. Cần làm rõ điều này, bởi nếu do lỗi của chủ đầu tư khiến ngân hàng buộc phải ra quyết định này thì người mua nhà có thêm căn cứ khởi kiện.
Còn trong trường hợp ngân hàng đã giải ngân một phần nhưng lại đơn phương không giải ngân do sợ rủi ro, hoặc bên vay vi phạm ở hợp đồng khác… thì lúc này, ngân hàng phải có trách nhiệm đến cùng với các hợp đồng tín dụng đã ký tại AZ Thăng Long.
Người mua nhà tại AZ Bright City đa phần là những người nghèo
Đồng quan điểm với luật sư Phượng, một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm vào cuộc để ổn định tình hình tại dự án này, bởi điều quan trọng nhất ở đây không phải là xác định đúng sai giữa chủ đầu tư hay ngân hàng, mà là quyền lợi của hàng trăm người mua nhà, trong đó có rất nhiều người nghèo.
"Đây là những đối tượng đang cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, khi đã bỏ toàn bộ số vốn tích cóp từ lâu và vay ngân hàng cả trăm triệu đồng mà dự án chưa biết bao giờ mới bao giao thì họ còn túng quẫn hơn. Việc giải quyết thấu đáo câu chuyện tại AZ Thăng Long cũng chính là giải bài toán an sinh cho hàng trăm hộ dân", lãnh đạo Hiệp hội nhấn mạnh.
Dự án AZ Thăng Long nguyên là dự án nhà ở thương mại, nằm trên khu đất có diện tích 15.493m2, bao gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng. Dự án có chức năng dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1 đến tầng 6, căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên.
Theo giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, dự án có tổng số vốn lên tới 1.800 tỷ đồng. Dự kiến, có khoảng 1.360 căn hộ theo tiêu chuẩn sẽ được đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng cho nhu cầu nhà ở tại thị trường Hà Nội. Thế nhưng, trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần phải “đắp chiếu” do thiếu vốn.
Để giải cứu dự án, năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang loại hình nhà ở xã hội để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đến ngày 14/2/2014, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định cho phép dự án chuyển từ thương mại sang làm nhà ở xã hội. Theo đó, quy mô dự án gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A11, A12, A2, A3). Tổng số căn hộ là 1.496 căn, sau khi đi vào hoạt động cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân người có thu nhập thấp. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành việc xây dựng, bàn giao nhà vào quý III - IV/2017.
Tuy nhiên, kế hoạch bàn giao nhà cho khách hàng đã bị đổ vỡ khi chủ đầu tư thi công chậm chạp. Sau nhiều lần cam kết với khách hàng, đến nay dự án vẫn rơi vào bế tắc và cư dân tiếp tục “kêu cứu”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com