Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp: “Vẫn là lý thuyết”

“Ngân hàng vẫn thường nói là đồng hành với doanh nghiệp, nhưng hành động lại cho thấy điều ngược lại”.
Ông Hà Sỹ Đồng
Ông Hà Sỹ Đồng

DN phải trao đổi thẳng thắn với ngân hàng để gỡ khó

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng tâm tư như vậy, sau khi “thực mục sở thị” cảnh vắng tanh vắng lạnh của Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành tại Quảng Trị. Mà lý do, không gì khác là thiếu vốn lưu động.

Theo ông Đồng, nếu vẫn giữ cách làm cứng nhắc như hiện nay, chỉ cho vay vốn khi doanh nghiệp có đủ tài sản thế chấp, thì số doanh nghiệp “chết” và “ngắc ngoải” chắc chắn sẽ còn tăng lên nhanh chóng.

 

Có đơn hàng, có khách hàng, vay được vốn làm nhà xưởng nhưng lại không thể vay được vốn để sản xuất, trường hợp Đại Thành là cá biệt hay phổ biến ở Quảng Trị?

Có khá nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình cảnh như vậy. Vì ngân hàng chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, họ chỉ nói thế chưa nhưng thực ra là không làm thế.

Trong lúc khó khăn hiện nay, lẽ ra ngân hàng cũng nên sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp cả những rủi ro có thể có trong kinh doanh, chứ không thể cứng nhắc là có đủ tài sản thế chấp thì mới cho vay vốn.

Vừa rồi ngân hàng cũng đã cho Đại Thành vay một phần vốn để đầu tư nhà xưởng hiện đại, nhưng đến nay họ lại không thể vay được vốn lưu động. Theo tôi, ngân hàng nên chia sẻ khó khăn trước mắt với họ, cho họ vay vốn lưu động để họ “sống” lại, như thế mới là giải pháp lâu dài, cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

 

Không ít ý kiến cho rằng, các DNNN dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn. Với cương vị Tổng giám đốc một DNNN, ông thấy nhận xét này có đúng không?

Không đúng đâu, các tập đoàn lớn thì có thể có ưu đãi, chứ ở đây ai vay cũng phải thế chấp và lãi suất cũng thế cả, thậm chí DNNN thủ tục còn rườm rà hơn vì phải xin phép chủ sở hữu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% nhưng theo quan sát của tôi thì thực hiện việc này còn chậm lắm, chưa quyết liệt trên tinh thần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

 

Như vậy, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là vốn?

Đúng vậy. Thiếu vốn được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hơn 600 doanh nghiệp - trong tổng số 2.497 doanh nghiệp đã được thành lập tính đến hết tháng 6/2012 - đang nằm trong tình trạng đăng ký nhưng chưa hoạt động, tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể hoặc phá sản, đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký giải thể…

Trong đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn trong huy động vốn để thi công các dự án, đặc biệt là không có khả năng tiếp cận vay vốn ngân hàng đã dẫn đến việc thi công chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Đối với các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để xây dựng công trình, làm xong mới nghiệm thu thanh toán, vì thế khi thực hiện chính sách giảm đầu tư công, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, thậm chí rơi vào tình trạng chao đảo, khủng hoảng hoặc buộc phải giải thể, phá sản.

Nhiều nhà đầu tư tại các khu kinh tế, khu du lịch không đủ năng lực tài chính và khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay nên nhiều dự án cũng bị thu hẹp quy mô, xây dựng…

Những khó khăn của doanh nghiệp đã tác động rõ rệt đến thu ngân sách. 6 tháng đầu năm thu nội địa chỉ đạt 358,78 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch và chỉ bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tình hình nợ đọng thuế còn khá lớn.

 

Vậy theo ông ở “hoàn cảnh đặc biệt” hiện nay nên tháo gỡ khó khăn về vốn như thế nào để có thể giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp?

Theo tôi thì nhà nước phải có cơ chế như lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể do UBND tỉnh quản lý. Chứ hiện nay nhất nhất đi vay là phải thế chấp thì quá khó với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng cần giám sát các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về chính sách tiền tệ, tín dụng, nhất là quy định về tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Công khai, minh mạch thủ tục, điều kiện cho vay sản xuất kinh doanh để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi. Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trần lãi suất cho vay và lãi suất huy động;

Các ngân hàng thương mại cần minh bạch về chính sách cho vay cả về lãi suất, hạn mức và thời hạn cho vay, đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp.

 

Bên cạnh điều hành lãi suất, Nghị quyết 13 của Chính phủ đã được triển khai thế nào tại Quảng Trị, theo ông?

Hiện các cơ quan chức năng đang tổ chức thực hiện, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2012, dự kiến là 20,403 tỷ đồng. Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, dự kiến là 4 tỷ đồng.

Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng 6 tháng đối với số thuế phát sinh phải nộp của tháng 4,5 và 6, dự kiến là 34,321 tỷ đồng.

Tỉnh cũng phấn đấu giảm 10 - 15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

 

Ở một số địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp và có tiếng nói để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Quảng Trị thì sao?

Chúng tôi cũng đã có những kiến nghị, làm cầu nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Tới đây tỉnh sẽ có đối thoại ở quy mô lớn hơn giữa ngân hàng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quanh đi quanh lại thì ngân hàng cũng kêu khó là cho họ vay thì phải đảm bảo tiêu chí tiêu chuẩn, vì bản thân họ cũng kinh doanh. Nên vốn vẫn là bài toán rất khó, và doanh nghiệp cũng rất khó để vượt khó.


Vneconomy

Tin cùng chuyên mục