Ngân hàng dồn dập tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau năm 2023 khá yên ắng trong hoạt động tăng vốn chủ sở hữu, các ngân hàng thương mại cổ phần liên tục đưa ra kế hoạch tăng vốn với quy mô lớn trong năm 2024.
Các ngân hàng tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính Các ngân hàng tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính

Tăng vốn để củng cố hệ số an toàn vốn

Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, với giá trị được dự báo đạt 1 tỷ USD, tương đương mức định giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự kiến trình đại hội cổ đông 2024 phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 77.500 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 38,8%.

Trước đó, BIDV lùi kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng với tỷ lệ 9% từ năm 2023 sang năm 2024.

MBB đã hoàn tất việc phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và SCIC. Số lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

LPBank vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông 2024, trong đó dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng (tỷ lệ tăng hơn 31%). Tương tự, MSB sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng. Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông 2024 tổ chức cuối tuần qua, ACB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.800 tỷ đồng, lên 44.666 tỷ đồng. VIB thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng, tăng 17,44%. Nam A Bank cũng thống nhất việc tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống là 1.003.601 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có tổng vốn điều lệ 217.882 tỷ đồng, tương đương cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng vốn điều lệ 163.165 tỷ đồng, không thay đổi; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính và ngân hàng hợp tác xã có vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023.

Cũng tính đến cuối tháng 1/2024, hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và mức trung bình của ngành ngân hàng trong khu vực như bình quân của Indonesia là 22,6%, Philippines là 17,2%, Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia là 18,5%. Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III hay một phần của Basel III, nhưng không ít ngân hàng tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II. Do đó, tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính.

Nợ xấu giảm, nhưng vẫn gây áp lực

Tính đến cuối tháng 1/2024, hệ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN là 11,84%, vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành có sự cải thiện đáng kể trong quý IV/2023 so với quý liền trước. Nợ xấu tính đến cuối năm 2023 của 27 ngân hàng niêm yết là 1,9%, giảm 0,3% so với mức đỉnh 2,2% vào cuối quý III/2023, nhưng cao hơn 0,5% so với cuối năm 2022 (1,4%). Tổng dư nợ xấu toàn ngành cuối năm 2023 giảm 7,4% so với 1 quý trước đó.

Tỷ lệ nợ xấu giảm được các chuyên gia nhận định có một phần tác động không nhỏ từ việc tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy trong quý cuối năm vừa qua. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết trong quý IV/2023 đạt 17% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 7,6% so với quý III/2023, quý cao nhất trong năm 2023.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) có dấu hiệu tạo đáy trong quý III/2023 khi tăng từ 93,8% lên 95% vào cuối quý IV/2023. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn từ cuối năm 2020 đến quý I/2023, đều trên mức 100%.

“Mặc dù chất lượng tài sản đã có dấu hiệu tạo đáy trong quý III/2023,. nhưng sự phục hồi trong quý IV/2023 có đóng góp lớn từ tăng trưởng tín dụng cao. Do đó, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng suy yếu trong quý đầu năm 2024, chúng tôi dự báo, nợ xấu cuối quý I/2024 có thể tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nói.

Dự báo cho cả năm 2024, theo bà Hiền, việc thu hút tín dụng bằng cách giảm lãi suất trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp như hiện tại sẽ đẩy các ngân hàng thương mại vào trạng thái thiếu bộ đệm trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu phát sinh. Điều này có thể diễn ra mạnh hơn tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Thứ nhất, cơ cấu cho vay của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước được hỗ trợ nhiều từ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhà nước, với dòng tiền trả nợ và xếp hạng tín nhiệm cao hơn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hay khách hàng cá nhân.

Thứ hai, tỷ lệ LLR tính đến cuối năm 2023 của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt là 188,9% và 61,1%, chênh lệch rất lớn. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của 2 nhóm lần lượt là 1,1% và 2,5%. Tỷ lệ LLR và tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng tín dụng, vì sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu.

Do đó, bà Hiền dự báo, nợ xấu toàn ngành có thể tăng 0,1 - 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2024, dưới tác động của tăng trưởng tín dụng thấp. Cả năm 2024, với kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan, các ngân hàng sẽ tăng cường trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu giảm xuống so với năm 2023. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN (dự báo đến hết 31/12/2024), giúp các ngân hàng có thêm thời gian xử lý những khoản nợ tồn đọng, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ, vì tỷ lệ nợ tái cơ cấu tính đến cuối năm 2023 tại các ngân hàng lớn là không đáng kể.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục