Mười ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ định thí điểm thực hiện theo tiêu chuẩn Basel II gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Kể từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng này thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Một áp lực đối với các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II nhu cầu tăng vốn. Những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR) quanh mức 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2. Trong số 10 ngân hàng trên, MB và VPBank là 2 ngân hàng đáp ứng các tiêu chí mới của Hiệp ước Basel II.
Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đưa ra kế hoạch tăng vốn trong mùa đại hội cổ đông vừa qua cũng như trong năm 2017. Trong tháng 3/2016, một loạt ngân hàng như MB, Saigonbank, VPBank... đã được chấp thuận tăng vốn.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP. HCM) cho rằng, để tồn tại và vượt qua được những sóng gió của thị trường, ngân hàng phải trường vốn. Hơn nữa, chủ trương của NHNN trong tương lai là rút gọn hệ thống NHTM để lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì vậy, những NHTM có vốn mạnh mới có khả năng trụ vững.
Với xu hướng hội nhập ngày càng rộng, các NHTM sớm hay muộn cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện của Basel II, chứ không chỉ là 10 NHTM đang thí điểm thực hiện.
Theo Basel II, các NHTM phải duy trì CAR tối thiểu là 8%. Trong khi đó, tính tới cuối năm 2015, hệ số này của BIDV là 9%, của VietinBank là 10%...
Để CAR tăng 1% thì vốn điều lệ của ngân hàng phải tăng thêm 8 - 10%. Như vậy, có thể thấy rằng, kể cả với những ngân hàng lớn, việc áp dụng Basel II cũng là chuyện không hề dễ dàng và nhu cầu tăng vốn không chỉ là đòi hỏi đối với các NHTM nhỏ.
"Để thực hiện các quy định Basel II, OCB có thể đáp ứng đúng theo lộ trình của NHNN đưa ra, song đòi hỏi phải có sự hy sinh từ phía các cổ đông, vì phải tập trung nguồn lực để triển khai”
- ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB.
TS. Nguyễn Văn Thuận cho rằng, áp dụng Basel dù là ở cấp độ I, cấp II, hay cấp III thì đều xung quanh vấn đề an toàn vốn. Với NHTM, đòi hỏi có lượng vốn phù hợp để kinh doanh là chuyện tất yếu. Đây cũng là vấn đề tối quan trọng của mỗi ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, một NHTM có vốn tự có dồi dào dễ mở rộng kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động, trong khi những NHTM vốn ít sẽ gặp nhiều rủi ro.
Vì thế, không chỉ những ngân hàng trong danh sách áp dụng thí điểm Basel II, mà ngay cả ngân hàng nhỏ cũng từng bước chuẩn bị và đứng trước áp lực nâng vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, quản trị rủi ro là một yêu cầu rất cao đối với các ngân hàng, nhất là trước tình hình thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. OCB đang từng bước triển khai để dần áp dụng các quy định của Basel II ngay cả trong quản lý rủi ro của ngân hàng hiện nay. Vì thế, OCB đã thuê KPMG tư vấn quản trị rủi ro.
Theo ông Tùng, quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng là áp dụng theo khung quản lý rủi ro của ngân hàng, đồng thời đảm bảo đạt chuẩn quản lý rủi ro của quốc tế theo quy định Basel II. Nhưng để đảm bảo an toàn trong hoạt động, đòi hỏi phải tiến tới các chuẩn quốc tế. OCB đã đưa chuẩn này vào quản lý rủi ro, nhưng để đạt chuẩn quản lý rủi ro theo quy định của Basel II, thì chưa thể nói là đã đạt, mà đang từng bước triển khai áp dụng.
“Nếu xét về tính chiến lược, minh bạch và thể chế thì OCB không có gì đáng ngại khi triển khai và áp dụng các quy định của Basel II, nhưng cái khó là có thể chậm, vì bản thân OCB cũng có những tồn tại cũ. Mặt khác, trong quá trình hoạt động, OCB cũng phải cân bằng giữa kinh doanh và tỷ lệ an toàn vốn… Để thực hiện các quy định Basel II, OCB có thể đáp ứng đúng theo lộ trình của NHNN đưa ra, song đòi hỏi phải có sự hy sinh từ phía các cổ đông, vì phải tập trung nguồn lực để triển khai”, ông Tùng cho biết thêm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, Basel II là Hiệp ước về tiêu chuẩn vốn và đo lường vốn, được ban hành bởi Ủy ban Giám sát các ngân hàng Basel (BCBS). Do vậy, Basel II chú trọng vào việc yêu cầu các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn và phải áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tương ứng.
Nói thêm về câu chuyện Basel II, vị lãnh đạo trên cũng chia sẻ rằng, các ngân hàng Việt vẫn còn đang loay hoay và còn nhiều khó khăn khi thực hiện Basel II. Vướng mắc lớn nhất nằm ở hành lang pháp lý.