Cạnh tranh huy động
Từ ngày 20/2/2017, VIB triển khai phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng bằng VND trên toàn hệ thống cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Trước đó, trong tháng 1, VietA Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá tối thiểu 50 triệu đồng. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi được VietA Bank áp dụng cao hơn 0,2%/năm so với lãi suất tiết kiệm thông thường cho kỳ hạn từ 1 năm trở lại. Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất được áp dụng là 7,8%/năm, kỳ hạn 15 tháng áp dụng lãi suất 8%/năm.
Về lý thuyết, người mua chứng chỉ tiền gửi không được thanh toán trước hạn như gửi tiết kiệm thông thường.
Không chỉ áp dụng mức lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường, nhân viên một số nhà băng còn chào mời khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao hơn bảng niêm yết của ngân hàng từ 0,1 - 0,2%/năm.
Việc đẩy mạnh huy động qua chứng chỉ tiền gửi được các ngân hàng tiến hành song song với các chương trình khuyến mãi, tăng lãi suất tiết kiệm thông thường. Tại VietA Bank, từ nay đến hết 29/4, khách hàng tham gia gửi tiền sẽ được quay số trúng thưởng tại quầy giao dịch của VietABank với hàng trăm phần quà như voucher mua hàng.
Trong khi đó, với Chương trình tiết kiệm dự thưởng "Khai Xuân Đinh Dậu - Rước Lộc Vàng Ký", khách hàng của HDBank gửi tiết kiệm từ 60 triệu đồng trở lên có cơ hội trúng 1 ký vàng SJC 9999.
OCB cũng đang triển khai chương trình ưu đãi “Tân niên phú quý, lộc phát an khang” dành cho khách hàng tiền gửi, với tổng giá trị quà tặng lên đến 5 tỷ đồng.
Sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh hút vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi dù phải trả lãi suất cao hơn chút đỉnh so với phương thức tiết kiệm thông thường, được giới chuyên gia nhìn nhận, sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn. Bởi đặc điểm của loại giấy tờ có giá này là người mua không được thanh toán trước hạn.
Vì sao?
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng từ sau Tết Đinh Dậu được đánh giá là khá dồi dào và 2 quý đầu năm được xem là thấp điểm của mùa kinh doanh vốn của các ngân hàng.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã đưa ra thị trường nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu vốn vay.
Chẳng hạn, OCB cung cấp gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay trả góp mua ô tô, sửa chữa nhà, sản xuất - kinh doanh… Hay tại Sacombank, từ đầu năm nay, Ngân hàng triển khai hai gói vay dành cho khách hàng cá nhân mua nhà và mua xe ô tô phục vụ đời sống và gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với lãi suất thấp nhất là 8,5%/năm…
Vì sao các ngân hàng lại tăng khuyến mãi và nâng lãi suất huy động vốn?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nguồn vốn trung dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn.
Mặt bằng lãi suất trong năm 2017, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, sẽ tăng thêm 0,5 - 1%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại cho rằng, những ngày đầu tháng 1/2017, một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động 0,1 - 0,3%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng giữ ổn định lãi suất huy động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Về việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi, một chuyên gia tài chính, ngân hàng khuyến nghị, khách hàng cần cân nhắc kỹ hình thức tiết kiệm này. Bởi về lý thuyết, người mua chứng chỉ tiền gửi không được thanh toán trước hạn như gửi tiết kiệm thông thường. Tất nhiên, người mua có thể “cầm cố” giấy tờ có giá này để vay vốn khi chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn, song lãi suất cho vay của ngân hàng khi ấy chắc chắn cao hơn lãi suất mà ngân hàng trả cho người mua.
Như vậy, lợi tức cao của giấy tờ có giá sẽ giảm đi rất nhiều nếu khách hàng thực hiện việc cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay.