Ngân hàng cạnh tranh hút tiền gửi không kỳ hạn

0:00 / 0:00
0:00
Nếu ngân hàng duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng tốt so với tổng huy động, thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn.
Ngân hàng cạnh tranh hút tiền gửi không kỳ hạn

Cạnh tranh hút vốn rẻ

Đó cũng chính là lý do các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt về CASA. Nhà băng nào có tỷ lệ CASA càng tăng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh càng cao.

CASA là nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng và được đánh giá là một trong những chỉ tiêu tài chính có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các nhà băng, tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Tại Vietcombank, tổng huy động vốn đến hết năm 2020 đạt 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019, trong đó riêng huy động vốn thị trường một đạt 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước và đạt 104,6% kế hoạch năm.

Tỷ trọng CASA của Vietcombank đạt bình quân 28,9%. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 23.068 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương quy mô như năm 2019.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCSC) dự báo tỷ lệ CASA của Vietcombank sẽ duy trì ở mức hiện tại là 31% huy động khách hàng trong 2020-2021.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế MB đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019 (10.036 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 8.262 tỷ đồng, cao hơn con số 7.822 tỷ đồng của năm 2019. EPS đạt 2.993 đồng/cổ phiếu, tăng 8,5%.

Đóng góp lớn nhất vào việc tăng trưởng hiệu quả kinh doanh của MB năm 2020 là khoản thu từ hoạt động tín dụng. Trong năm 2020, thu nhập từ lãi cho vay tại MB đạt 24.383 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Trong mảng dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động này tăng gần 400 tỷ đồng năm 2020. MB cũng tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2020 với mức trích 6.118 tỷ đồng, trong khi con số này của năm 2019 là 4.890 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của MB ở mức 1,09%. Tỷ lệ bao phủ dự phòng/nợ xấu ở mức 160%.

Điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của MB năm 2020 là dòng tiền tiết kiệm tiếp tục chảy mạnh, trong đó tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi của khách hàng vượt qua tỷ lệ 37% (115.194 tỷ đồng/310.960 tỷ đồng).

Techcombank cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế năm qua đạt 15,8 nghìn tỷ và doanh thu đạt 27,0 nghìn tỷ đồng; tăng lần lượt 23,1% và 28,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Techcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường về CASA, tăng 46,1% trong cả năm qua và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 3,1%.

Trước đó, khi khi tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tại nhiều ngân hàng sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2020 thì Techcombank lại tạo dấu ấn với mức tăng trưởng hơn 23% về số dư, đưa tỉ lệ CASA của ngân hàng lên trên 37%.

Có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào sẽ giúp cho biên lợi nhuận các ngân hàng được nới rộng. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng chiếm được ưu thế này.

Kiểm soát chi phí

Trên thực tế, tăng tỷ lệ CASA là một trong những cách giúp kiểm soát chi phí vốn được các ngân hàng lựa chọn. Vì đây là nguồn tiền được các nhà băng huy động chỉ dùng để thanh toán, có chi phí vốn bình quân khoảng 0.2%/năm.

CASA được xem là nguồn tiền có chi phí vốn rẻ, nếu ngân hàng có thể duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng tốt so với tổng huy động, thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu.

Qua đó, giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận dù tăng chi phí huy động. Thế nên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng tăng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh càng cao.

VNDirect cũng cho rằng, ngân hàng với những lợi thế sau sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM (biên lãi ròng) như: CASA cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn có thể dẫn đến giảm chi phí vốn...

Còn theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng ban hành mới đây của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhiều ngân hàng tập trung gia tăng CASA, nguồn vốn giá rẻ bằng nhiều chiến lược tập trung giảm phí giao dịch và chuyển khoản và nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống.

BSC cho rằng, trong giai đoạn từ 2016 – 2020, tỷ trọng CASA các đang dần dần được cải thiện lên mức 18% trong năm 2020 và được kỳ vọng tiếp tục tăng tỷ trọng trong thời gian tới.

Việc cạnh tranh về CASA giữa các ngân hàng đang trở nên gay gắt hơn. Nhiều ngân hàng chấp nhận hi sinh một phần phí giao dịch (chuyển khoản liên ngân hàng, phí quản lý tài khoản, ...) nhằm thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn.

Trong năm 2021, BSC cho rằng, việc cạnh tranh này sẽ khốc liệt hơn khi nhiều ngân hàng lớn bắt đầu gia tăng cạnh tranh khiến các ngân hàng với chiến lược hiện hữu khó có thể gia tăng vị thế trong tương lai.

Các ngân hàng kỳ vọng có thể thu hút thêm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), từ đó gia tăng CASA cũng như doanh thu phí trong tương lai.

Như ACB, để CASA đạt 25% vào năm 2021, Ngân hàng này dự kiến tăng gấp đôi số tài khoản, tức lên đến 5 triệu tài khoản vào năm 2021.

Tuy nhiên, muốn tăng tỷ lệ này không chỉ dựa vào chính sách tốt, các ngân hàng cũng cần đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển dịch từ giao dịch truyền thống sang ngân hàng số.

Khi khách hàng có niềm tin để gia tăng lượng giao dịch bằng thẻ hoặc kênh trực tuyến thay cho tiền mặt, số dư tiền gửi không kỳ hạn mới gia tăng một cách bền vững.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục