Đánh cắp thông tin qua giao dịch trực tuyến
Là một trong những ngân hàng có tài khoản giao dịch của khách hàng lớn nhất trên thị trường, Vietcombank vừa gửi một loạt email cảnh báo khách hàng về các biện pháp phòng tránh rủi ro, lừa đảo khi giao dịch trực tuyến.
Theo đó, với khách hàng là chủ đơn vị bán hàng trực tuyến, đối tượng sẽ giả mạo là đang ở nước ngoài và cần mua hàng hóa dịch vụ, trực tuyến cho người thân. Sau đó, yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western Union...), rồi gửi tên người bán có link truy cập vào webiste giả mạo. Khi chủ cửa hàng truy cập vào sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử. Từ đó, đối tượng sẽ lợi dụng rồi thực hiện giao dịch gian lận, đánh cắp thông tin.
Với khách hàng sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo... Vietcombank khuyến cáo, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng. Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là 1 bước yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận, đánh cấp thông tin tài khoản để lấy tiền.
Techcombank cũng vừa đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt thông tin khách hàng bằng cách giả mạo nội dung thư điện tử, giả danh cán bộ, nhân viên của ngân hàng để gửi thông báo nợ tới khách hàng. Thực tế, đây là một đường dẫn đến ứng dụng khác, chứa mã độc để tải về máy tính của người dùng nhằm đánh cắp thông tin bảo mật cá nhân của khách hàng.
Trong khi đó, lãnh đạo Maritime Bank cảnh báo thủ đoạn giả mạo thông báo tài khoản E-Banking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại...
Thủ đoạn trộm tiền từ máy ATM
Các ngân hàng cũng cảnh báo thủ đoạn trộm tiền từ ATM để hạn chế rủi ro cho khách hàng trong dịp Tết sắp tới.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 44/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2012/TT-NHNN quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động. Theo yêu cầu NHNN, các ngân hàng phải thường xuyên cập nhật, thông báo thủ đoạn trộm cắp tiền từ ATM và hướng dẫn khách hàng các biện pháp giao dịch an toàn tại ATM như niêm yết tại nơi đặt ATM, trên màn hình ATM hoặc các hình thức khác. Trong thời hạn 10 ngày làm việc trước ngày triển khai, lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động ATM, các ngân hàng phải thông báo cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn nơi lắp đặt ATM.
Mặt khác, ngân hàng cũng có trách nhiệm bố trí lực lượng trực để kịp thời để phát hiện, khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, để hạn chế rủi ro, khách hàng cũng lưu ý, nếu mất thẻ hoặc nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin thì cần gọi đến đường dây nóng hoặc đến ngay phòng giao dịch gần nhất của ngân hàng để khóa thẻ, sau đó trình báo các vấn đề nghi ngờ với ngân hàng để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Còn với các giao dịch trực tuyến, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo khách hàng không cung cấp các thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, khách hàng không được chụp hình thẻ hoặc các thông tin thẻ (số thẻ đầy đủ, ngày hết hạn, mã số bảo mật ở mặt sau thẻ) gửi qua email, đưa lên các trang mạng xã hội.
Theo quy định mới, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an, chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM và các tổ chức liên quan trong việc đảm bảo ATM hoạt động an toàn, thông suốt; phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động ATM và điều tra, xử lý khi phát hiện tội phạm.