Ngân hàng bớt… thừa tiền

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) của 28 ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2020 đã giảm 37%, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác cũng giảm 10% cho thấy thanh khoản của nhiều ngân hàng không còn dồi dào. Nhưng thời điểm này có lẽ đây là tín hiệu tốt…

Các ngân hàng muốn đẩy mạnh kinh doanh tiền để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ tín dụng. Ảnh: Dũng Minh Các ngân hàng muốn đẩy mạnh kinh doanh tiền để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ tín dụng. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều thông tin vĩ mô tích cực…

Chị Hồng Nhung, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, liên tục mấy tuần qua, nhân viên của một công ty chứng khoán V gọi điện cho chị mời đăng ký mở tài khoản chứng khoán. Dù đã từ chối, nhưng chị có phần “mềm lòng” trước những thông tin mà nhân viên này cung cấp.

Thực tế, kết thúc tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà tăng mạnh. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 77,61 điểm (+8,39%) so với cuối tháng 10, lên mức 1.003,08 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 12,36 điểm (+9,13%) lên 147,7 điểm; còn chỉ số UPCoM-Index tăng 4,05 điểm (+6,44%) lên 66,9 điểm. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tục VN-Index và HNX-Index tăng điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn đa phần giao dịch tích cực và là động lực chính giúp các chỉ số tăng điểm.

“Một người bạn thân hôm rồi tiết lộ, đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng bù lại kiếm được 500 ‘củ (triệu đồng)’ từ cổ cánh (cổ phiếu). Nghe cũng ‘xốn’ lắm nên lọ mọ tìm kiếm thông tin trên mạng xem như thế nào. “Bác gúc-gồ” cũng thật kỳ diệu, tìm kiếm một chút mà giờ cứ vào mạng là hiển thị chềnh ềnh trên màn hình hộp quảng cáo ‘Hướng dẫn đầu tư chứng khoán’ làm mình chùn bước và… xuống tiền”, chị Nhung tâm sự.

Điều khá bất ngờ là trái với những quan ngại vài tháng trước đây về mức tăng trưởng tín dụng 8%, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: “Tính đến 27/11, tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019”.

Báo cáo về thị trường nhà ở của Công ty Chứng khoán VNDirect vừa phát hành cho biết, nền kinh tế tăng trưởng ổn định cùng với lãi suất vay mua nhà trong xu hướng giảm sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở nói riêng, tích cực hơn trong năm 2021. Đặc biệt, nguồn cung mới sẽ tăng vọt sau khi các vướng mức pháp lý dần được tháo gỡ.

Thực tế, trong nỗ lực thúc đẩy tốc độ phục hồi tăng trưởng GDP, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và lũy kế 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2020 ước đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ 2019, trong đó vốn trung ương quản lý là 11.000 tỷ đồng (tăng 51,3%), vốn địa phương quản lý là 43.500 tỷ đồng (tăng 34%). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ 2019 (bằng 79,2% kế hoạch và tăng 7%).

“Kỳ vọng đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong năm 2021, sau khi Chính phủ có kế hoạch thực hiện 3 dự án thành phần thuộc dự án Đường cao tốc Bắc Nam vào tháng 9/2020”, báo cáo của VNDirect nhận định.

… và thanh khoản ngân hàng cũng bớt dư thừa

Đánh giá về những biến động trên, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nói: “Thị trường sẽ luôn đi trước”.

Thực tế, báo cáo tài chính quý III/2020 của các ngân hàng cho thấy, lượng tiền gửi tại NHNN của nhiều ngân hàng đã giảm rất mạnh. Đơn cử, tiền gửi của BIDV tại NHNN tại thời điểm cuối tháng 9/2020 chỉ gần 40.356 tỷ đồng, giảm 70,2% so với cuối năm 2019. Cũng giảm ở tỷ lệ tương tự là LienVietPostBank khi tiền gửi tại NHNN giảm từ 6.622 tỷ đồng xuống còn 1.937 tỷ đồng.

Thống kê của Vietstock Finance tại 28 ngân hàng cho biết, tiền gửi tại NHNN của những ngân hàng này giảm 37% trong 9 tháng đầu năm, hiện ở mức 227.634 tỷ đồng, trong đó ABBank có mức giảm mạnh nhất là 82%, từ 6.803 tỷ đồng xuống còn 1.207 tỷ đồng.

Không chỉ tiền gửi tại NHNN, các ngân hàng cũng giảm 10% so với đầu năm lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác, về mức 817.847 tỷ đồng. Trong đó, LienVietPostBank ghi nhận mức giảm mạnh nhất là 73%, tiếp theo là NCB giảm 68%, OCB giảm 65%…

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết: “Việc gửi tiền tại NHNN trước hết là tuân thủ quy định về dự trữ bắt buộc, sau là để dự phòng cho nhu cầu thanh khoản của ngân hàng, nên việc gửi bao nhiêu tiền tại NHNN là theo nhu cầu thực tế của từng ngân hàng. Theo đó, với động thái rút tiền về, đơn giản đây là điều hành dòng tiền theo thực tế nhu cầu, hiệu quả sử dụng vốn, thanh khoản của Ngân hàng”.

Còn giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng chia sẻ: “Không loại trừ khả năng Kho bạc Nhà nước rút tiền từ các ngân hàng, nên buộc các ngân hàng phải rút tiền về từ NHNN”.

Trong một góc nhìn khác, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, thanh khoản của hệ thống tuy dư thừa, song có sự phân bổ không đều, thậm chí có ngân hàng thiếu thanh khoản, nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động.

Đơn cử, báo cáo tài chính quý III/2020 của LienVietPostBank cho biết, 9 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng 15%, còn tiền gửi của khách hàng tăng thấp hơn, đạt 13,25% trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 12,98%. Tương tự, MSB ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,46%, trong khi tiền gửi khách hàng thậm chí còn giảm nhẹ.

Ngoài ra, câu chuyện rút tiền về từ NHNN của các ngân hàng được cho rằng còn do các ngân hàng muốn đẩy mạnh kinh doanh tiền để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ tín dụng.

“Chi phí là như nhau, nhưng trước nhu cầu tiền mặt tăng lên, việc các ngân hàng rút tiền tại NHNN về để kinh doanh là điều dễ hiểu”, TS. Nguyễn Tú Anh nói.

Thực tế thị trường cho thấy, với việc lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc vẫn được duy trì ở mức 0%, có nghĩa là lượng tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đã không mang lại lợi nhuận, nên nhiều ngân hàng đã chọn cách rút bớt tiền gửi tại NHNN để đầu tư cho hoạt động khác mang lại lợi nhuận cao hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Khi được NHNN trả lãi trên số tiền gửi thì các ngân hàng sẽ gửi tiền tại đây, trong đó có bao gồm mục đích kiếm lời và tăng dự trữ thanh khoản. Nhưng nay NHNN không trả lãi thì các ngân hàng rút tiền về để kinh doanh, bao gồm mua trái phiếu, đầu tư hay cho vay bất động sản…”.

Giới chuyên gia dự báo thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn hơn trong tháng cuối năm. Bằng chứng là các ngân hàng đã không còn mạnh tay mua vào trái phiếu chính phủ khiến tỷ lệ trúng thấu trong các phiên đấu thầu gần đây giảm mạnh so với thời điểm tháng 9, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã giảm nhiệt trong tháng 10. Trong bối cảnh thanh khoản bớt dư thừa, lãi suất liên ngân hàng được cho là sẽ tăng nhẹ thời gian tới.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục