Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay “đặc biệt” với lãi suất 0%

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến cuối tháng 4/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có đề xuất hỗ trợ thanh khoản.
Ảnh minh hoạ (Duy Linh). Ảnh minh hoạ (Duy Linh).

Đây là điểm rất mới tại Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký tờ trình gửi Quốc hội.

Dự án luật này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xếp lịch thẩm tra vào ngày 10/4 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trong chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, nhưng đều lỡ hẹn vì hồ sơ chuẩn bị chậm.

Dự kiến, cuối tháng 4/2023, Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành thẩm tra dự án luật này, sau đó nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5 tới.

Bổ sung nhiều quy định phòng ngừa, xử lý rủi ro

Lần sửa đổi này, mục đích đặt ra là để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt...

Theo đó, dự thảo mới nhất bổ sung quy định tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ (Điều 148).

Các biện pháp hỗ trợ, gồm: tổ chức tín dụng sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác theo quy định luật này.

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt gồm: Mua giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng trên nghiệp vụ thị trường mở; thực hiện các giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng; tái cấp vốn với tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với các khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp xử lý khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Riêng khoản vay đặc biệt để tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo luật quy định lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho vay là 0%/năm.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể như được vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tương ứng với thời hạn cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng khác, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; không phải thực hiện tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn…

Trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định trật tự an toàn xã hội, Ngân hàng Nhà nước được chỉ định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%.

Tăng cường kiểm soát của Nhà nước

Nội dung đáng chú ý khác là Dự thảo đưa ra quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm - vấn đề được cả chuyên gia trong và ngoài nước khuyến nghị nhiều ở lần sửa đổi này.

Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước được quyền hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm của người quản lý, người điều hành.

Điều này, nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý Nhà nước đối với quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng - theo tờ trình của Chính phủ.

Dự thảo luật còn quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý “từ sớm, từ xa” khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Tương ứng với nội dung sửa đổi, bổ sung tại phần can thiệp sớm, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp kiểm soát đặc biệt, điều chỉnh phương án xử lý tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt, bao gồm phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và phương án phá sản.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tổng thể thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, theo đó thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại. Trường hợp không thuê được tổ chức kiểm toán độc lập thì Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ thanh khoản, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để xử lý các khủng hoảng tài chính có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, pháp luật một số quốc gia đều có các cơ chế này.

Tờ trình dự án luật của Chính phủ dẫn kinh nghiệm của một số nước. Như, tại Thụy Sỹ có quy định Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng. Với chức năng này, Ngân hàng Trung ương cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho 1 hoặc nhiều ngân hàng nội địa nếu các ngân hàng này không còn đủ khả năng cấp vốn cho các hoạt động của mình trên thị trường.

Mới đây, đứng trước những biến động của hệ thống ngân hàng thế giới và Thụy Sỹ, ngày 16/3/2023, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ đã ban hành Pháp lệnh về khoản vay hỗ trợ thanh khoản bổ sung và cấp bảo lãnh của liên bang đối với khoản vay hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ cho các ngân hàng quan trọng hệ thống.

Pháp lệnh này cũng cho phép việc cấp bảo lãnh thanh toán từ liên bang Thụy Sỹ đối với các khoản vay của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ để bảo đảm cho những thiệt hại (khoản lỗ) tiềm tàng từ khoản vay hỗ trợ thanh khoản.

Với ngân hàng Credit Suisse, để hỗ trợ Ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse, Chính phủ Thụy Sỹ đã bảo lãnh cho khoản lỗ trị giá khoảng 9 tỷ CHF của CS và Ngân hàng Trung ương cho vay hỗ trợ thanh khoản 100 tỷ CHF cho UBS để thực hiện việc mua lại Credit Suisse.

Hay tại Hoa Kỳ, nếu một ngân hàng đang bị đổ vỡ vì bị sụt giảm vốn nghiêm trọng, quy định về hành động khắc phục ngay lập tức tại Luật FDICIA cho phép ngừng hoạt động bắt buộc trong 90 ngày trước khi ngân hàng bị đóng cửa và 90 ngày sau khi vốn của ngân hàng đạt một ngưỡng nhất định.

Đứng trước những cuộc khủng hoảng như của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, củng cố niềm tin của người dân đối với hoạt động ngân hàng, tránh việc đổ xô rút tiền hàng loạt, cơ quan cấp phép đã tiến hành đóng cửa ngân hàng, chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) là tổ chức tiếp nhận và chuyển giao toàn bộ hoạt động của ngân hàng đổ vỡ cho ngân hàng bắc cầu để tiếp tục duy trì việc cung ứng dịch vụ ngân hàng, tài khoản cho các khách hàng hiện hữu trước khi được chuyển nhượng cho tổ chức nhận chuyển nhượng.

Để ngăn ngừa nguy cơ lan truyền rút tiền hàng loạt, FDIC đã tuyên bố bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi tại SB và Signature Bank (bao gồm cả tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục