3 ngân hàng có kế hoạch phát hành
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) đã chào bán trái phiếu tới một nhóm nhà đầu tư riêng lẻ. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất chưa được xác định, theo Bản cáo bạch sơ bộ Ngân hàng gửi tới một nhóm nhà đầu tư tuần trước.
Việc chào bán này nằm trong kế hoạch huy động 1.400 tỷ đồng trong năm 2014 của HDBank. “Đợt chào bán trái phiếu dài hạn năm 2014 của HDBank nhằm phục vụ mục đích bổ sung nguồn vốn huy động trung - dài hạn phục vụ phát triển hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn của HDBank”, Bản cáo bạch viết.
Trả lời ĐTCK, HDBank cho biết, Ngân hàng sẽ đưa ra thông cáo chính thức sau.
Cùng thời gian này, hai ngân hàng lớn có vốn nhà nước cũng đang hoàn tất các thủ tục chào bán trái phiếu tới các nhà đầu tư.
Một trong hai ngân hàng này dự kiến phát hành trái phiếu 5 năm với khối lượng trên 2.000 tỷ đồng, theo hai nguồn tin liên quan đến đợt phát hành. Ngân hàng còn lại dự kiến phát hành trái phiếu 10 năm - loại trái phiếu chủ yếu để tăng vốn cấp 2, đồng nghĩa với việc nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng.
Từ đầu năm 2014, trao đổi với ĐTCK, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết sẽ cân nhắc việc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 như một trong các phương án để đảm bảo hệ số CAR theo quy định.
“Căn cứ vào tình hình thị trường cụ thể, BIDV sẽ lựa chọn phương thức tăng vốn phù hợp để đảm bảo mức vốn tăng tốt nhất nhằm đảm bảo hệ số CAR, hướng theo thông lệ quốc tế”, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV trả lời ĐTCK hồi tháng 1/2014.
Lãi suất thấp bất ngờ
Các nhà đầu tư cho biết, một trong các đợt phát hành trên chào bán lãi suất chỉ 7,5%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên.
Lãi suất này chỉ cao hơn 1,4%/năm so với lãi suất trái phiếu kho bạc cùng kỳ hạn. Trong khi đó, đợt phát hành trái phiếu 3 năm diễn ra vào tháng 10 của HDBank có lãi suất 10,5%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên - chênh 3 - 3,5%/năm so với lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn khi đó.
Ngay cả khi có biên lãi suất tương đối cao như vậy, lượng phát hành thành công đợt năm ngoái của HDBank cũng chỉ đạt 2/3 kế hoạch chào bán ban đầu của Ngân hàng, đạt 1.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại cỡ trung thường phát hành trái phiếu có độ chênh trên 2%/năm thậm chí 3 - 3,5%/năm so với lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn. Chỉ có một vài ngân hàng có vốn nhà nước lớn mới phát hành với biên lãi suất thấp hơn.
Một trong các ngân hàng cỡ lớn cũng đang dự kiến phát hành tại mức lãi suất trên 8%/năm - chênh khoảng 1,5%/năm so với trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn.
Các đợt phát hành trái phiếu ngân hàng như vậy đã khởi động sớm hơn hẳn năm 2013 – khi mà ngân hàng đầu tiên phát hành trong năm ngoái là BIDV, diễn ra trong tháng 8. Trong năm 2013, tổng lượng trái phiếu phát hành mới của các ngân hàng đạt gần 10.000 tỷ đồng - chiếm khoảng 1/5 tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của cả năm. Các đợt phát hành vẫn gồm những cái tên quen thuộc như HDBank, BIDV, Maritimebank và VPBank, chủ yếu diễn ra vào quý III.
Việc các ngân hàng khởi động phát hành trái phiếu sớm có thể nhằm tận dụng lãi suất đã xuống đến mức rất thấp trong thời gian này. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm tiếp 110 - 120 điểm so với đầu năm xuống chỉ còn 5,6%/năm đối với kỳ hạn 2 năm, 6,1%/năm với kỳ hạn 3 năm và 7,1%/năm đối với kỳ hạn 5 năm.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp - sau một thời gian dài suy yếu - đang càng cần các nguồn vốn trung dài hạn để tái cơ cấu tài chính và cấp vốn cho các dự án kinh doanh dài hạn. Nhưng ở chiều ngược lại, các ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa vốn do khó tìm được doanh nghiệp thích hợp để cho vay.
Đối với HDBank, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn của năm 2013 là 3,89%, đã tăng lên so với tỷ lệ 0% của năm 2012. Việc huy động thêm nguồn vốn trung - dài hạn được coi là một cách để Ngân hàng giảm tỷ lệ này xuống.