Ngân hàng bán rẻ khách sạn, biệt thự

Không chỉ nhà xưởng, hiện khách sạn 3-4 sao, cao ốc văn phòng, biệt thự...cũng được ngân hàng chào bán tại sàn giao dịch bất động sản nhằm giải quyết “nợ xấu”.
Ngân hàng bán rẻ khách sạn, biệt thự

Đủ kiểu nhà đất phát mãi

Bà Huỳnh Kim Đoan, giám đốc sàn bất động sản Eden Real cho biết, chỉ trong thời gian ngắn sàn của bà đã nhận ký gửi trên 500 tài sản nhà đất thế chấp từ các ngân hàng cần bán với giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

Những nhà đất trên có đủ loại, từ căn hộ chung cư, biệt thự, nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn và cả nhà xưởng. Hầu hết các trường hợp nhờ bán lại là do ngân hàng muốn thu hồi các khoản cho vay, nên dàn xếp cho người vay, thông qua công ty môi giới, tìm khách hàng bán tài sản đã cầm cố để trả tiền đã vay cho ngân hàng, bà Đoan cho biết.

Ngân hàng bán rẻ khách sạn, biệt thự ảnh 1

Đặc biệt, hiện nay hàng loạt khách sạn ba sao, bốn sao, cao ốc văn phòng, biệt thự trên các trục đường trung tâm TPHCM như Phó Đức Chính, Lê Thánh Tôn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thị Diệu, Tú Xương... cũng đang được các ngân hàng ký gửi bán với giá giảm từ 30 - 35% so với giá thị trường và giá thế chấp. Thậm chí có trường hợp giảm tới 50% do thiết kế, xấu, vị trí không tốt... nhưng đều rất khó bán.

Cụ thể, một cao ốc đang trong giai đoạn hoàn thiện trên đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3) đang tìm khách hàng bán lại với giá khoảng 62 tỷ đồng dù trước đây cao ốc này có giá gần 100 tỷ đồng.

Theo bà Đoan, những sản phẩm thế chấp của ngân hàng ký gửi có hai xu hướng về giá. Thứ nhất là những tài sản không bán được do trước đây ngân hàng định giá quá cao. Ví dụ, căn nhà A được ngân hàng định giá 10 tỷ đồng để cho vay 7 tỷ đồng, tuy nhiên hiện giá trị căn nhà chỉ khoảng 5 tỷ đồng. Xu hướng thứ hai là chủ nhà đồng ý bán lỗ do thị trường ế ẩm cũng rất nhiêu khê bởi nếu lỗ quá thì cũng không đủ tiền trả nợ cho ngân hàng.

 

Bán cũng khó

Ông Lê Quốc Duy, giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hoà Bình cho biết vừa từ chối đề nghị ký gửi bán nhà đất phát mãi của một ngân hàng lớn vì cho rằng trong thị trường này còn nhiều tiềm ẩn khiến ông không an tâm.

Tương tự, ông Lê Minh Đạt, trưởng phòng kinh doanh sàn giao dịch bất động sản ACB cho biết, dù sàn của ông chuyên về thị trường nhà phố nhưng cũng chưa tham gia nhận bán những bất động sản thế chấp từ các ngân hàng vì còn nhiều vấn đề và độ rủi ro cao.

Theo ông Duy, điểm vướng lớn nhất khiến ông chưa an tâm chính là khâu thẩm định giá. Một căn nhà có thể định giá cao hay thấp hiện nay đều phụ thuộc lớn vào nhân viên thẩm định, vào ngân hàng thẩm định mà không theo một chuẩn chung nào. Do vậy, giá trị thực giữa giá thị trường căn nhà và giá ngân hàng thẩm định có một độ vênh nhất định nên khi phát mãi ra thị trường cũng sẽ gặp những phát sinh không đáng có.

TS. Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị doanh nghiệp trường đại học Ngân hàng TPHCM đưa ra lời khuyên, nếu tài sản mà ngân hàng phát mãi qua hình thức đấu giá thì lúc này giá tài sản đó sẽ không còn rẻ nữa bởi đã phát sinh lãi phạt, tiền môi giới, tổ chức đấu giá... Người mua tài sản phát mãi chỉ có thể mua được giá rẻ khi quen với nhân viên ngân hàng. Nếu mua tài sản phát mãi để ở, giá rẻ 20% giá thị trường thì có thể mua. Nếu mua để đầu tư trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay thì nên cân nhắc vì lãi tiền mặt hiện cao do đó găm vốn lâu phải tính.


SGTT

Tin cùng chuyên mục