“Thương vụ này được đánh giá như một bước tiến xa của Ngân hàng Shinhan tại thị trường Việt Nam, cũng như sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng của ngành ngân hàng bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới”, thông tin từ phía Ngân hàng Shinhan cho biết.
Ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam cho hay, Ngân hàng vẫn rất kỳ vọng vào những cơ hội phát triển ở Việt Nam nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế, cũng như sự hội nhập của Việt Nam trong dòng chảy thương mại và đầu tư của kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ các doanh nghiệp Việt Nam, các định chế tài chính và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, tại châu Á và tại thị trường bản địa của chúng tôi là Úc và New Zealand”, ông Dennis Hussey nói.
Cũng theo Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, trong suốt 24 năm hoạt động, ANZ tại Việt Nam liên tục đổi mới để đưa các sản phẩm tài chính mới ra thị trường. Chúng tôi tin tưởng thương hiệu của ANZ sẽ tiếp tục vững mạnh, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
“Chúng tôi vẫn tin vào các cơ hội phát triển của mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, nhưng quyết định tập trung nguồn lực vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi rất vui mừng vì Ngân hàng Shinhan có kế hoạch tăng trưởng lớn và khách hàng của chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư mà Shinhan lên kế hoạch. Chúng tôi cũng rất vui mừng vì Shinhan sẽ cung cấp việc làm cho nhân viên bán lẻ của chúng tôi và tin rằng, kinh nghiệm và kiến thức của họ sẽ đóng góp vào sự thành công trong tương lai của Shinhan tại Việt Nam”, ông Dennis Hussey nhấn mạnh.
Theo một chuyên gia ngân hàng, quyết định bán lại dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam của ANZ thực tế không có gì bất ngờ nếu nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của ANZ Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng chỉ tiêu cho vay khách hàng cũng như tiền gửi của ngân hàng này cùng sụt giảm mạnh so với năm 2015, về mức âm 14% và âm 8%, tương ứng còn 13.961 tỷ đồng và 32.636 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng Shinhan tăng đều cả 2 lĩnh vực cho vay và tiền gửi khách hàng, lần lượt đạt 23% và 55%, tương ứng 26.833 tỷ đồng và 41.954 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo tài chính của một số ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có thể thấy, trong khi thu nhập lãi thuần 2016 của HBSC Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với gần 2.307 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2015 và Ngân hàng Shinhan có sự tăng trưởng mạnh nhất với 19% (đạt 1.710 tỷ đồng), thì ANZ lại giảm 8% (đạt 1.230 tỷ đồng).
Năm 2016, dự phòng rủi ro của HSBC Việt Nam giảm hơn 70%, góp phần mang lại lợi nhuận tăng trưởng 54%, đạt xấp xỉ 1.441 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được giảm từ 1,06% xuống còn 0,84%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) giảm từ 20% còn 16%. Lợi nhuận của Ngân hàng BNP cũng ấn tượng khi đạt 229 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2015 và Ngân hàng Shinhan tăng trưởng 14%, đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Ngược lại, lợi nhuận của ANZ sụt giảm gần 30%, đạt 300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,11%.
Thực tế, Việt Nam với dân số hơn 91 triệu người, trong đó phần lớn đang ở độ tuổi "vàng", mức độ sử dụng công nghệ ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng còn thấp, chỉ khoảng 10 triệu người. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp và phần lớn người dùng chỉ mới dừng ở mức sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản như: tài khoản, ATM hay các dịch vụ thanh toán cơ bản... Số liệu so sánh của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ doanh thu từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở các nước phát triển là 50% tổng doanh thu, thì tại Việt Nam, tỷ lệ này chỉ mới khoảng 12%, khiến lĩnh vực bán lẻ trở thành mảnh đất đầy tiềm năng với các ngân hàng.
“Cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ của các ngân hàng ngày càng gay cấn, bởi các ngân hàng trong nước trong những năm qua liên tiếp mở rộng thị trường, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa sản phẩm, cải thiện năng lực quản trị, hướng tới nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, “miếng bánh” này không hề dễ xơi, bởi dù các ngân hàng nước ngoài có lợi thế trong việc phục vụ những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng lại không có mạng lưới phủ khắp trên toàn quốc, nên phải cần đến các ngân hàng thương mại trong nước…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.